Tin tức - Sự kiện

“Phóng viên nước ngoài rành mạch hơn phóng viên nước mình!”

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, trong khi các cơ quan hành chính nhà nước thiếu kỹ năng và tính cùng chia sẻ trong việc cung cấp thông tin thì nhiều cơ quan báo chí và nhà báo lại thiếu rành mạch, thiếu kỹ năng tạo sự thân thiện, tin tưởng nên vấp phải sự tránh né!

Tiếp tục loạt bài trả lời phỏng vấn của PV  liên quan đến vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nói: “Việc tổ chức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhiều chuyện lắm. Sự thiếu kỹ năng, tính cùng chia sẻ trong vấn đề này của các cơ quan hành chính nhà nước đôi lúc khiến chính bản thân tôi cũng cảm thấy bực mình”.

Phóng viên trong và ngoài nước cùng tác nghiệp nhân sự kiện tàu Hải quân Mỹ ghé thăm hữu nghị TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)
 
PV: - Là người lâu năm làm công tác quản lý báo chí, ông đã làm gì khi gặp phải những sự bực mình như vậy?
 
Ông Đỗ Quý Doãn: Trong quan niệm của một số người cứ xem báo chí như là người cần phải cảnh giác. Không phải như vậy. Báo chí cũng vì đất nước này, vì xã hội này. Báo chí cùng các lực lượng khác bảo vệ cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Phải làm sao để báo chí và các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp trong xã hội hiểu và chia sẻ, hỗ trợ nhau mới làm tốt được.
 
Đừng nghĩ báo chí chỉ chuyên “soi mói”. Không phải. Họ đang làm cái việc trấn an cho xã hội, mà muốn như vậy thì báo chí phải đầy đủ thông tin nhất. Trước hết phải trấn an báo chí thì mới trấn an được xã hội, chứ báo chí không an thì làm sao làm cho xã hội an được? Đó chính là ý nghĩa của vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí.
 
Trước hết phải làm tư tưởng, phải thông tin đầy đủ để bản thân những ông chuyên viết lách, hay nói là những ông hay “chọc ngoáy”, biết để không chọc ngoáy nữa. Chứ bây giờ ổng còn chưa tin thì khi viết bài không “tòi” chỗ này thì cũng “tòi” ra chỗ khác. Tổng biên tập có mà đằng trời, bảo viết bài thật “ngon” thì có thể “ngon” thật nhưng làm gì cũng có một, hai câu đá móc một cái.
 
Đó là bởi vì bản thân nhà báo chưa được làm tốt công tác tư tưởng, mà muốn làm tốt cái đó thì họ phải có đầy đủ thông tin, có đầy đủ cơ sở để chính mỗi người viết lúc đấy là một người làm công tác tư tưởng, làm dư luận cho cả xã hội. Anh cung cấp thông tin kiểu như vậy thì người ta làm sao làm được?
 
PV: - Về phía các cơ quan hành chính nhà nước là như vậy, nhưng về phía các cơ quan báo chí và bản thân mỗi nhà báo thì sao, thưa ông?
 
Ông Đỗ Quý Doãn: Các cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đôi khi cũng chưa nhận thức một cách đầy đủ quyền của mình đến đâu, nghĩa vụ của mình đến đâu, cách thức của mình trong vấn đề này như thế nào? Nếu như cùng đồng lòng, cùng chia sẻ vì mục đích chung để giải quyết một vấn đề nào đó thì tôi chắc chắn sẽ khác. Nói cách khác là vấn đề này phải từ hai phía.
 
Trong vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kể cả các nhà báo, các cơ quan báo chí lẫn cơ quan hành chính nhà nước đều yêu cầu rất cao về bản lĩnh, kỹ năng và tính chuyên nghiệp. Tất nhiên nhà báo phải có kỹ năng rồi, nhưng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng đòi hỏi phải có kỹ năng.
 
Tôi xin thưa, với báo chí trong nước mà còn ngại, khi gặp báo chí nước ngoài thì coi như các cơ quan hành chính nhà nước của mình ít ai dám trả lời. Trong khi phải thấy rằng báo chí nước ngoài đôi khi họ hỏi không phải để chọc ngoáy. Tất nhiên khi họ chọc ngoáy thì không hỏi vẫn chọc ngoáy, còn khi họ hỏi mình thì đó là dịp tốt nhất để mình thể hiện quan điểm một cách rõ ràng, rành mạch, phân tích một cách đầy đủ.
 
Còn với các cơ quan báo chí, các nhà báo, câu hỏi đặt ra là khi đến tiếp cận thông tin, tại sao mình cứ để cho người nắm thông tin, hay nói cách khác là những người đại diện cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức, cá nhân luôn luôn e ngại, thậm chí là ngán ngại? Đây là điều mà đứng về mặt nghiệp vụ lẫn về mặt tâm lý chúng ta phải thấy. Tất nhiên không phải ai sinh ra cũng có thể đứng nói một cách hoành tráng trước ống kính truyền hình hay máy ghi âm. Có những người khi nói bình thường thì “chém gió” ghê lắm, nhưng khi nói với phóng viên là lắp bắp ngay, thần hồn nát thần tính, nói ngược nói xuôi.
 
Vì vậy, báo chí phải làm sao để tạo ra sự thân thiện, sự gắn bó, chia sẻ. Cái này quan trọng lắm, nhất là khi khai thác thông tin. Nhiều người kể, khi nhà báo tới hỏi, tới trao đổi với bọn tôi, tôi cũng nghĩ bình thường để nói chuyện. Thông tin thì nói đủ thứ, đôi khi cũng chen vào chuyện nọ chuyện kia cho nó vui vẻ. Cuối cùng là ổng tương hết lên báo khiến mình mang tiếng với người này, người khác rất dở.
 
Bản thân người nói chuyện phải biết ranh giới, đoạn nào, đoạn nào, lúc nào nói, lúc nào không. Quan trọng lắm. Nhưng ngay báo chí cũng phải rất rành mạch chuyện này. Cơ quan phân công mình đến lấy tài liệu, khai thác thông tin để viết bài là một chuyện, nhưng phỏng vấn một bài lại là khác. Cái này phóng viên nước ngoài rành mạch hơn phóng viên nước mình.
 
PV: - Ông có thể nói rõ thêm về sự rành mạch đó của phóng viên nước ngoài?
 
Ông Đỗ Quý Doãn: BBC muốn phỏng vấn tôi thì rất rõ ràng. Họ nói, chúng tôi muốn phỏng vấn ông với tư cách Thứ trưởng phụ trách thông tin, báo chí của Việt Nam 3 câu A, B, C. Và họ đăng nguyên xi, không bớt, kể cả khi tôi phê phán họ. Nói họ thế nào, đụng chạm, kệ, họ vẫn đăng nguyên xi, không bao giờ cắt. Còn sau đó họ có bài, bình luận gì là sau, nhưng rõ ràng phỏng vấn 3 câu là i xì 3 câu.
 
Trong khi đó, mình thì hay à ơi, đôi khi người ta nói đủ thứ nhưng ông cắt hai, ba đoạn ông thấy ông sướng nhất tương lên, không có đầu có cuối. Mình là cứ lẫn lộn giữa khai thác thông tin, khai thác tư liệu với việc phỏng vấn. Thậm chí đôi khi ông “chơi” luôn cái báo cáo tham luận của tôi về cắt ra 3 khúc, đặt ra 3 câu hỏi rồi ông đổ là trả lời phỏng vấn. Chết luôn!
 
Chính vì như thế mà báo chí gây cho người ta tâm lý ngại, ngán. Điều đó không chỉ gây thiệt thòi cho báo chí mà còn thiệt thòi cho xã hội, cho công chúng tiếp nhận thông tin. Bởi vì mục đích và nhiệm vụ của báo chí là phải cung cấp thông tin cho công chúng về những vấn đề mà công chúng quan tâm. Nhưng khi báo chí làm cho người ta tránh né thì rõ ràng người thiệt hại là công chúng.
 
PV: - Theo ông, Quyết định 25/TTg có những điểm nào đáng chú ý để có thể cải thiện những thực tế, thậm chí là thực trạng trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà ông đã nêu?
 
Ông Đỗ Quý Doãn: Trong Quyết định 25/TTg về vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất là khẳng định vai trò của người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo quy định, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề này. Có nghĩa ở tỉnh là Chủ tịch tỉnh, ở Bộ là Bộ trưởng.
 
Người đứng đầu có thể ủy quyền cho người khác thực hiện nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Khi người đó phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì người đó đang đứng ở vị trí của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Và những sai trái, nếu phát ngôn đó đưa cho báo chí và báo chí đăng hoặc cung cấp cho công chúng, thì người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm trước cả xã hội về thông tin đó, còn người được ủy quyền chỉ chịu với người đứng đầu!
 
Điểm thứ hai: phát ngôn là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước vào những thời điểm nhất định. Nhưng nói như thế không có nghĩa các ông vụ trưởng, cục trưởng, phó chủ tịch, chánh văn phòng, chuyên viên… không trả lời về việc đó. Tất cả mọi người đều có quyền và nghĩa vụ phải trả lời. Quyết định 25 quy định phát ngôn trong những trường hợp cần thiết là thông tin chính thức của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng rõ ràng quyết định này không thể đứng trên luật được.
 
Luật báo chí và các các văn bản hiện hành, kể cả các nghị định đều quy định “mọi tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đã cung cấp”. Như vậy là ai cũng có quyền và nghĩa vụ về vấn đề này chứ không phải chỉ là người phát ngôn. Cái này là luật quy định. Phải thấy rõ và tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân nhận thức được vấn đề này và không né tránh, đùn đẩy.
 
Điểm thứ ba cũng rất quan trọng là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, ví dụ ở tỉnh có thể là ông Chủ tịch hay ông Chánh Văn phòng, không thể nào nắm được hết mọi việc. Cho nên anh được sử dụng bộ máy, tổ chức để phục vụ cho nhiệm vụ này, có quyền yêu cầu các sở, ngành phải cung cấp đầy đủ thông tin cho mình, hay tất cả các vị đó cùng ngồi để dự họp báo, cung cấp thông tin về vấn đề này, vấn đề kia theo yêu cầu. Có nghĩa không phải tất cả đều dồn vào người phát ngôn, và không phải khi báo chí hỏi thì người phát ngôn bảo là để tôi về hỏi ông này ông kia. Ở các bộ, ngành cũng vậy.
 
Một điểm nữa là, nếu trước đây người đại diện cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin cố tình né tránh, không cung cấp… không có chế tài gì để xử lý cả thì lần này Quyết định 25 đã nêu và trong Nghị định 59 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản, báo chí vừa được Thủ tướng ký ban hành cũng có cả việc xử phạt hành vi không phát ngôn, không cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy là đã có chế tài.
 
PV: - Điều cuối cùng mà ông muốn nhắn nhủ trong việc thực hiện Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là gì?
 
Ông Đỗ Quý Doãn: Rõ ràng là để thực hiện tốt các quy định tại Quyết định 25 thì cả cơ quan hành chính nhà nước lẫn các cơ quan báo chí cần có sự kết hợp, sự chia sẻ và báo chí cần tuyên truyền mạnh về cái này, phải phân tích, làm rõ để không chỉ báo chí mà các đơn vị khác, cơ quan hành chính nhà nước khác cũng thấy được trách nhiệm của mình!
 
PV: - Xin cảm ơn ông!
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo