Tin tức - Sự kiện

"Quan" nhận quà Tết: Tin công chức sẽ giám sát thủ trưởng

Cán bộ công chức nếu phát hiện thủ trưởng hay bất kỳ ai ở cơ quan mình nhận/tặng quà Tết trái quy định có thể báo cho Cục Chống tham nhũng.

Người dân phát hiện cán bộ nhận quà Tết trái quy định có thể thông báo cho Cục Chống tham nhũng qua số điện thoại 080.48228

 

Đó là khẳng định của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) xung quanh vấn đề tặng quà, nhận quà Tết.

Công chức giám sát

Trả lời báo chí trước đó, ông Phạm Trọng Đạt khẳng định: "Chúng tôi luôn khuyến khích người dân phát giác việc cán bộ, công chức, viên chức tặng quà hoặc nhận quà Tết trái quy định. Nếu người dân phát hiện cán bộ nhận quà, tặng quà trái quy định thì hãy phản ánh ngay tới cơ quan chúng tôi. Nếu có kèm theo những bằng chứng nữa thì việc xác minh, xử lý của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều".

Lý giải thêm với Đất Việt điều này, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, cán bộ, công chức nhận quà, tặng quà ở nhà, cơ quan hay bên ngoài khó mà biết được, "ngay cả công an vạn người cũng chẳng thể phát hiện được". Do đó, rất cần sự vào cuộc của người dân để giám sát cùng lực lượng chức năng.

Giải toả thắc mắc Cục Chống tham nhũng "gửi trọn niềm tin" vào người dân trong việc phát hiện sai phạm, ông Phạm Trọng Đạt cho biết, phải xác định rõ khái niệm "người dân" ở đây. Đó không phải là người ở địa phương mà phải hiểu là cán bộ, công chức nhà nước.

"Quan chức ở lẫn với dân, người dân có điều kiện thì phát hiện dấu hiệu vi phạm, còn độ chính xác thế nào thì chúng tôi phải làm đúng quy trình xác minh cụ thể. "Dân" ở đây là cán bộ công chức nhà nước. Họ công tác ở cơ quan nào thì sẽ biết được thủ trưởng mình hay ai đó trong cơ quan dùng tiền ngân sách biếu xén hay nhận quà trái quy định".

Để chấm dứt sự mơ hồ của người dân về việc thế nào là tặng/nhận quà Tết đúng quy định hay trái quy định, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng giải thích: "Trong Quy chế ban hành kèm Quyết định 64/2007 của Chính phủ đã quy định việc tặng quà, nhận quà rất cụ thể. Theo đó, dùng ngân sách nhà nước để tặng quà, thậm chí kể cả không dùng tiền ngân sách nhưng tặng quà, tiền giá trị lớn nhằm phục vụ lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân của mình, tức có động cơ không trong sáng và không văn hoá là trái quy định. Nếu là tình cảm thì chỉ cần cành đào, cây quất hay lì xì đầu xuân một, hai chục nghìn chứ sao có thể lên đến hàng trăm triệu hay cả tỷ bạc được".

Quy chế năm 2007 đã quy định rõ quà tặng bao gồm: Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá; Hiện vật, hàng hoá, tài sản; Dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác; Quyền được mua tài sản, nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng thiết bị; các ưu đãi ngoài quy định của Nhà nước; việc sử dụng tài sản, nhà, đất đai, thiết bị của người khác mà không trả hoặc trả không đầy đủ chi phí cho việc sử dụng.  

Về lo ngại còn nhiều dạng quà tặng khác mà Quy chế chưa kịp điều chỉnh, ông Đạt cho biết, dù còn nhiều loại quà tặng chưa kịp bổ sung vào Quy chế nhưng chỉ cần những quà tặng đó có giá trị lớn và được sử dụng với động cơ không trong sáng thì vẫn trái quy định.

"Bây giờ bảo người dân xác định quà tặng bao nhiêu tiền thì trái quy định thì rất khó đi vào cụ thể. Một lẵng hoa 100-200 nghìn đồng thì chỉ là lẵng hoa mà thôi, nhưng một cây cảnh giá hàng chục triệu, thậm chí cả tỷ bạc thì đã là dạng khác rồi. Dùng 1.000 đồng tiền ngân sách nhà nước để tặng quà cũng là vi phạm. Còn sử dụng tiền cá nhân mà quá lớn so với thu nhập của bản thân để tặng quà thì cần phải nghiên cứu xem tại sao lại tặng nhiều thế, chắc chắn phải có động cơ dù quà tặng ấy không có trong quy chế, từ đó có đối sách riêng", ông Đạt nói.

Không cần quay phim, chụp ảnh


Trước câu hỏi khi người dân phát hiện việc nhận/tặng quà Tết trái quy định liệu có phải quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng để gửi cơ quan chức năng, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng không cần làm như vậy.

"Người dân làm sao có bằng chứng được, trừ trường hợp trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tố cáo và có bằng chứng. Chỉ cần người dân phản ánh vụ việc có cơ sở, tính chính xác tương đối cao thì đấy cũng là nguồn tài liệu quan trọng để chúng tôi tiếp tục xác minh theo quy trình, chức năng nhiệm vụ của mình. Có trường hợp phải phối hợp với Bộ Công an xác minh rất lâu, có thể dăm bảy tháng, có khi cả năm trời, tránh trường hợp lợi dụng để bôi nhọ, vu cáo".

Theo Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, đến nay Cục đã công khai hai số điện thoại đường dây nóng, trong đó có số di động của chính ông để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân.

"Khi chúng tôi xử lý việc nhận quà, tặng quà trái quy định, nhiều người tin, người không tin nên cứ công khai số điện thoại vậy, làm được bao nhiêu thì thông báo cho dân biết. Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 30-50 cuộc điện thoại của người dân. Họ chỉ phản ánh hiện tượng chung chung thôi, còn cụ thể thế nào Cục sẽ ghi nhận để làm các công tác nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra. Các cuộc gọi, tin nhắn vào máy cá nhân của tôi chủ yếu là các trường hợp nhạy cảm", ông Đạt cho biết.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo