Quỳnh Nhai (Sơn La): Bài 3: Xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả cao
Cách đây hơn 10 năm, sau khi di dân tái định cư, do diện tích đất ít và độ dốc cao, sản xuất độc canh cây lúa, cây ngô của nhiều xã trong huyện Quỳnh Nhai cho năng suất thấp, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng thêm khó khăn, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lợi dụng vùng lòng hồ thủy điện để thực hiện dự án nuôi thủy sản. Gia đình ông Lò Văn Khặm ở Bản Lò Huổi xã Chiềng Bằng đã đi tiên phong trong phong trào nuôi cá lồng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gia đình ông đã thu được hiệu quả cao, mở ra hướng đi rất thiết thực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho các hộ dân trong xã và nhiều xã khác trong huyện, những nơi thuộc vùng lòng hồ. Tận dụng lợi thế hơn 10.000 ha lòng hồ Thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ nguồn vốn của chương trình 30a để phát triển nuôi cá lồng tại địa bàn 8 xã: Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Mường Sại và Nặm Ét. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Đây là mô hình tiêu biểu nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Năm 2016, sản lượng đã đạt 1.250 tấn. Huyện đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng thủy sản đạt khoảng 2.500 tấn, chiếm 9,8% tỷ trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc nuôi thủy sản, những năm gần đây Quỳnh Nhai đặc biệt chú trọng đến việc tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây ăn quả chất lượng cao, trồng cây trên đất dốc. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ được 112 nghìn cây nhãn, xoài cho 4.620 hộ dân. Hiện nay, nhiều xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây bơ, bưởi da xanh, nhãn ghép.
Chúng tôi đến thăm xã Mường Giôn, được giới thiệu đến một mô hình kinh tế tiêu biểu ở đây. Đó lại chính là mô hình của gia đình ông Bí thư Đảng ủy xã Lò Minh Phiệng. Ông Lò Minh Phiệng cho biết: gia đình ông hiện nuôi 300 con trâu, bò, trồng và chăm sóc 650 ha rừng, tổng giá trị kinh tế hộ lên đến hàng chục tỷ đồng. Cũng chính từ mô hình này, huyện ủy Quỳnh Nhai đã thành lập nên HTX Mường Giôn, với chức năng chăn nuôi, bảo vệ, trồng mới và khai thác nguồn lợi kinh tế rừng. 3 năm qua, bên cạnh phát triển chăn nuôi trâu bò, HTX Mường Giôn đã trồng được 870 ha rừng thông mã vĩ, keo. Cuộc sống của nhiều hộ xã viên tham gia HTX đang ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La đầu tư phát triển hạ tầng du lịch lòng hồ sông Đà; Công ty cổ phần Dệt may Sơn La đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong huyện.
Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Hậu cho biết, trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 4.708 hộ nghèo được hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng; Chương trình 135 hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế cho 2.699 hộ nghèo với kinh phí 9,5 tỷ đồng, Chương trình 755 hỗ trợ cho 421 hộ mua sắm máy móc với kinh phí 2,1 tỷ đồng; các nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia đầu tư xây dựng 70 công trình với tổng kinh phí 241 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện Đề án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, trên địa bàn huyện đã hỗ trợ 4.888 hộ với tổng kinh phí 38,9 tỷ đồng; hỗ trợ bò, lợn, dê cho 4.102 hộ nghèo trên địa bàn các xã với số tiền 32,3 tỷ đồng; hỗ trợ 1.091 hộ nghèo xóa nhà tạm với số tiền 6,1 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch...
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Công tác xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế được huyện Quỳnh Nhai gắn với việc xây dựng Nông thôn mới (NTM), coi đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: lập quy hoạch và xây dựng đề án xây dựng NTM trên cơ sở các thế mạnh từng vùng, bám sát các tiêu chí. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã về tận các xã nắm bắt, tìm hiểu lợi thế từng xã, từ đó tham mưu, chỉ đạo các xã có phương án thực hiện các tiêu chí có hiệu quả nhất. Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã trở thành một “điểm sáng” với số xã đạt chuẩn NTM nhiều nhất trong toàn tỉnh Sơn La. Trong tổng số 8 xã đạt chuẩn NTM ở tỉnh Sơn La hiện nay thì huyện Quỳnh Nhai đã có 3 xã là: Mường Chiên, Chiềng Bằng và Mường Giàng. Tại những địa phương còn lại của huyện, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện. Đến nay, 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm, 11/11 xã, 168/196 bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt 86%; tỷ lệ số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 78,5%; năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 42%, đến năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21%...
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển trong thời gian tới, Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang tập trung củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của đồng bào các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)