Thị trường

"Rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam là vấn đề chất lượng"

Ý kiến trên được đưa ra tại Hội nghị “Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững” do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức vào chiều 14-5 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, đánh giá về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Việc này dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. 

"Rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) chính là vấn đề chất lượng. Các vấn đề vệ sinh và vệ sinh dịch tễ ngày càng được coi trọng và được sử dụng như một công cụ bảo hộ nền nông nghiệp của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu của người tiêu dùng tại các nước có thu nhập trung bình và thu nhập cao cũng rất khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm", ông Hồng nhận định.
 
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội nghị.
 
Cũng tại hội nghị, báo cáo về tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu ước tính của liên Bộ, 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 488 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Cũng theo bà Thảo, hiện nay rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam , thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam . Ba tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả sang Trung Quốc tăng rất mạnh, đạt 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, sản phẩm Thanh long chiếm tới 58,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
 
Thời gian gần đây, phía Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng, tăng cường kiểm nghiệp kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Cùng với đó, việc quy phạm hóa, chuẩn hóa thương mại biên giới được Trung ương đẩy mạnh thực hiện. Trước sức ép của các cơ quan Trung ương chính quyền các địa phương khu vực biên giới cũng tăng cường quản lý theo hướng chặt chặt chẽ hơn.
 
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.
 
Hiện nay, việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ra bất thường.
 
Dự báo về xu hướng thị trường trong tiêu thụ rau quả Việt Nam, bà Thảo cho rằng, hiện nay các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... là các nước nhập khẩu lớn đối với hàng rau quả của Việt Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả tại các nước này tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây cũng là các thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
 
Theo đánh giá của đại diện Cục Xuất nhập khẩu về thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau quả Việt Nam, hiện nhu cầu rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới là động lực chính dẫn tới sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục phát triển trong giai đoạn 2010-2015, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân cả trong nội tại sản xuất và thị trường nhóm hàng này lại là nhóm hàng dễ tổn thương nhất khi thị trường có biến động và gây nhiều phản ứng và dư luận tiêu cực trong xã hội như dưa hấu, hành tím, gạo...
 
Những khó khăn cơ bản của rau quả Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do chất lượng hàng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương tiện sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động, trong khi đó các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hóa cao hơn, và là sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hóa, giá cả và cả phương thức kinh doanh.
 
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo