Tin tức - Sự kiện

“Ruộng bậc thang” trên quốc lộ 5

Hơn 20km đường trên QL5 vừa sửa chữa xong, vẫn trong thời gian bảo hành nhưng đã bị lún sụt thành rãnh sâu từ 5 – 15cm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tới mức Công an TP.Hải Phòng phải gửi công văn tới chủ đầu tư đề nghị khắc phục.

QL5 vừa sửa chữa đã sụt lún thành các rãnh sâu như ruộng bậc thang. Ảnh: Hoàng Hoan

Trước tình trạng hằn, lún nứt ở hầu khắp các con đường cao tốc, QL mới đưa vào khai thác, chiều 24.6, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý. Mọi ý kiến đều tập trung vào những nguyên nhân: Tải trọng, thời tiết và chất lượng vật liệu... Nhưng, nguyên nhân chính và giải pháp xử lý vẫn chưa được tìm ra. 

Nổi "sống trâu" giữa lòng đường
 
Theo quan sát của PV Lao Động, đoạn đường QL5 địa phận Hải Phòng, từ KM 94 (ngã ba Sở Dầu) đến km 104 (khu vực cảng Đình Vũ, quận Hải An, Hải Phòng), nhiều đoạn đường đã bị lún sâu. Mỗi bên đường thường bị lún thành 2 làn đường tạo thành những "sống trâu" trên đường. Những đoạn lún sâu nhất thuộc khu ngã tư đường Tôn Đức Thắng sang xã An Đồng (huyện An Dương), khu vực nút giao thông Ắc quy, Cơ điện, nút giao PG, nút giao cầu Niệm (km 97 +150), Thiên Lôi (km 98 +150)... 
 
Mặt đường lồi lõm, chênh cao từ 5cm trở lên, có chỗ đường lún sâu đến 15cm. Ranh giới giữa hai làn đường tạo thành những gờ cao giữa lòng đường. Nếu lái xe ôtô đi không đúng phần lún sẽ bị “trèo” lên gờ cao, nhẹ thì loạng choạng tay lái, nặng thì đâm va. Người đi xe máy còn nguy hiểm hơn khi đang từ làn ngoài chuyển vào làn trong, tay lái không vững có thể ngã xe. Nhiều trường hợp bị TNGT, nhất là trong đêm tối. 
 
Trước tình hình nêu trên, ngày 30.5, Công an TP. Hải Phòng đã có công văn gửi UBND TP và Sở GTVT Hải Phòng đề nghị khắc phục sửa chữa những “sống trâu” lồi lõm đã làm nhiều trường hợp điều khiển xe mô tô bị trượt ngã. Đến ngày 20.6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã kiểm tra thực tế tại hiện trường.
 
Theo ông Mai Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cuối năm 2013 Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp QL5. Ban Quản lý dự án 3 – Tổng cục Đường bộ được giao làm đại diện chủ đầu tư. Tháng 12.2013, công trình được hoàn thành và giao cho Sở GTVT, Cty đường bộ Hải Phòng quản lý với thời hạn bảo hành công trình là 12 tháng. Nhưng mới sử dụng chưa được 6 tháng, đường đã bị lún sụt nguy hiểm như đã nêu trên.
Đổ lỗi cho nhau 
 
Để xác định nguyên nhân gây nên tình trạng hằn, lún vệt bánh xe và nứt ở hầu khắp các con đường cao tốc, QL mới đưa vào khai thác gây bức xúc dư luận, tại cuộc họp để tìm về nguyên nhân và giải pháp xử lý hiện tượng lún nứt đường do Bộ GTVT tổ chức chiều 24.6, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho rằng nguyên nhân gây hiện tượng hỏng, vỡ mặt đường chủ yếu vẫn là sự tác động chủ quan của con người, như tiêu chuẩn thiết kế và tác động của cơ quan quản lý. Nhiều dự án chưa được chấp nhận của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn thi công. Trong khi đó việc kiểm soát chất lượng cũng non kém vì chưa có người giỏi chỉ huy.
 
Đường quốc lộ 5 mới đưa vào sử dụng đã lún sụt thành rãnh sâu rất nguy hiểm cho an toàn giao thông. Ảnh: Hoàng Hoan
 
Vấn đề thu hút sự quan tâm là chất lượng vật liệu. Hiện vật liệu chưa được kiểm soát chặt ngay từ mỏ, qua kiểm tra đã có một số dự án có mẫu sản phẩm không đạt yêu cầu về tỉ lệ pha trộn. Mặt khác, các thiết bị, máy móc thi công cũ không đảm bảo yêu cầu, trong khi xe quá tải trọng gấp 3 lần cho phép vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ đang phá nát nhiều cung đường. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường VN ông Nguyễn Ngọc Long cũng nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu do nhiều xe tải trọng lớn chỉ được phép chạy ở khai trường nhưng vẫn được phép chạy trên quốc lộ.
 
Về việc trên nhiều tuyến đường chỉ xảy ra lún nứt từ 5-10km, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT – Hoàng Hà cho rằng: Nguyên nhân chính có thể do chưa kiểm soát được chất lượng phối trộn đồng đều của vật liệu, do vậy cần phải thay đổi thiết kế tại từng đoạn đường cho phù hợp. Phó Chủ tịch Hội KHCN Tống Trần Tùng cũng cho biết, các vụ lún, nứt đường từ trước đến nay qua kiểm tra phần lớn đều do chất lượng nhựa đường. Hiện các hãng nhựa đường lớn đã rút khỏi VN và theo thống kê phần lớn nhựa đường đang được sử dụng ở VN đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy, muốn tìm hiểu nguyên nhân phải truy đến tận cùng của chất lượng nhựa đường.
 
Không đồng tình với lý do trên, đại diện đơn vị thi công, ông Lê Ngọc Hoa - TGĐ Cienco4 cho biết không thể đổ lỗi cho nhựa đường không đạt yêu cầu và cát khoáng chưa đủ tiêu chuẩn. Cienco4 mới nhập về 2 trạm rất hiện đại và nhựa đường được nhập của Shell. Cty còn đề nghị Shell cử chuyên gia sang kiểm tra vào ngày 30.6 để xác định nguyên nhân. Bác lại ý kiến của ông Hoa đại diện tư vấn TEDI ông Phạm Hữu Sơn khẳng định nguyên nhân chính của lún nứt vẫn là nhựa đường, chất lượng nhựa đường kém mới xảy ra tình trạng trên...
 
Trong khi các ngành chuyên môn và những đơn vị thi công còn mải tranh cãi đổ lỗi cho nhau, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định:Chất lượng công trình trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành GTVT. Để khắc phục tình trạng sụt lún nứt mặt đường, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị phải siết chặt quản lý chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Việc lún, nứt đường đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Do vậy, phải xây dựng các chế tài quản lý và xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan đến chất lượng công trình.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo