Chứng khoán

“Rút dây động rừng” tại Eximbank?

Ngày 5/11, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có văn bản xin ý kiến cổ đông về việc mua lại gần 62 triệu cổ phiếu của chính mình. Quy mô này tương ứng với 5% tổng số cổ phần phổ thông.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của Eximbank - Ảnh: ĐT.

Mua cổ phiếu quỹ là hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Song, kế hoạch trên đáng được chú ý trong diễn biến giao dịch cổ phiếu EIB (mã chứng khoán của Eximbank) trong khoảng một năm trở lại đây, cũng như gắn với những thay đổi đang diễn ra tại ngân hàng này.

Mua để làm gì?

Văn bản liên quan của Eximbank không nêu mục đích dự kiến mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ nói trên. Nhưng có thể loại suy ở các tình huống doanh nghiệp thực hiện giao dịch loại này.

Có nhiều mục đích để doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ.

Thứ nhất, doanh nghiệp đang chịu sức ép về tỷ lệ sinh lời trên vốn; việc mua vào lượng tương đối đồng nghĩa “khóa” một phần vốn thuộc sở hữu chung và không phải trả cổ tức. Tình huống này có vẻ hợp lý khi lợi nhuận Eximbank giảm mạnh trong năm nay. Theo dự tính của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cả năm phấn đấu mới được khoảng 1.600 tỷ đồng, chỉ bằng nửa mục tiêu đề ra ban đầu. Song đây không hẳn là mục đích chính yếu.

Tình huống thứ hai, Eximbank đang có lượng tiền nhàn rỗi, triển vọng kinh doanh tốt trong khi nhận thấy giá cổ phiếu EIB đang “rẻ” và quyết định mua cổ phiếu quỹ để đầu tư vào chính mình. Đây cũng không hẳn là mục đích chính, xét cả ở hai vế của tình huống.

Liên quan, quy mô mua vào gần 62 triệu cổ phiếu quỹ ngốn một lượng vốn đáng kể, đến gần cả nghìn tỷ đồng theo thị giá hiện hành. Điều này có vẻ mâu thuẫn khi chỉ hai tháng trước ngân hàng này có kế hoạch phát hành giấy tờ có giá để tăng cường huy động lượng vốn.

Tuy nhiên, cũng như một số ngân hàng khác, kế hoạch phát hành giấy tờ có giá có tính độc lập trong vấn đề này. Không phải Eximbank muốn gọi vốn dài hạn để cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, vì của họ hiện không thấp; cũng không phải để đắp thêm tấm áo thanh khoản LDR (tỷ lệ cho vay so với huy động). Vậy là gì?

Cũng như một số ngân hàng khác đang tính phát hành trái phiếu gọi vốn dài hạn, ý đồ ở đây có thể “suy đoán” rằng, họ nhận thấy lãi suất đã ở vùng thấp và khó giảm thêm được nữa; theo đó, huy động lượng vốn lớn với chi phí ở vùng trũng cho chiến lược kinh doanh vốn trong tương lai là một tính toán đáng cân nhắc.

Tình huống thứ ba, Eximbank mua cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên dịp cuối năm, như một liệu pháp để hàn gắn thêm nội bộ. Tuy nhiên, nếu tình huống này xẩy ra, vết nứt đang có có thể càng bị khoét sâu khi ngân hàng đang trải qua thời điểm khó khăn nhất về vấn đề nhân sự; nếu mua để thưởng như vậy, mâu thuẫn quyền lợi giữa kẻ ở - người đi đang diễn ra căng thẳng tại đây sẽ càng phức tạp (sẽ đề cập phần sau).

Tính huống khả dĩ nhất, Eximbank mua vào cổ phiếu quỹ với lượng lớn như vậy nhằm tạo một lực đỡ nguồn cung cổ phiếu trên thị trường, hạn chế những áp lực từ kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn đối với giá cổ phiếu cũng như hạn chế xáo trộn đối với bên ngoài… Giả thiết này là đáng chú ý.

Vậy, ai đang “rút dây”?

Một năm về trước, giao dịch quy mô lớn cổ phiếu EIB (chủ yếu qua thỏa thuận) trên sàn chứng khoán đã thu hút giới đầu tư chú ý. Các giao dịch “khủng” diễn ra kéo dài, và dự kiến sẽ tiếp tục gắn với kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ nói trên.

Nói cách khác, với giới đầu tư, “rừng đã động” trong quãng giao dịch trên, nhưng những ai “rút dây” không hẳn là rõ đối với số đông.

Cũng một năm về trước, ông Nguyễn Đức Kiên, liên quan đến Ngân hàng Á Châu (ACB), bị cơ quan chức năng xử lý. Một tháng sau đó, một số lãnh đạo ngân hàng này cũng gặp rủi ro pháp lý. Liên quan, ông Phạm Trung Cang, người đại diện nhóm cổ đông nắm khoảng 7 - 8% cổ phần Eximbank, là Phó chủ tịch Eximbank thời điểm đó từ nhiệm và cũng gặp rủi ro pháp lý, do liên quan đến công việc trước đây - khi còn là Phó chủ tịch ACB.

Những thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn tại Eximbank có thể có mối liên hệ nào đó những sự kiện trên? Thậm chí, tại thời điểm đó, giới đầu tư thạo tin còn dự tính đến khả năng có một tình huống thâu tóm nhắm vào Eximbank, sau những thay đổi liên quan. Tình huống này càng được chú ý khi nó đặt ra song song với kế hoạch thâu tóm giữa hai ngân hàng khác, mà đến nay cơ bản đã có kết quả. Lúc đó, một số người trong cuộc xem đây là một tham vọng có thể xét đến của nhóm nhà đầu tư…

Đến nay, kế hoạch mua vào gần 62 triệu cổ phiếu quỹ nói trên có thể là lần thay tên đổi chủ thứ hai của một lượng đáng kể cổ phần, gắn với một nhóm cổ đông và những sự ra đi nào đó.

Còn trên thực tế, liên tục từ đầu năm đến nay, Eximbank có tới hàng chục quyết định thay đổi, bổ nhiệm cơ cấu nhân sự cao cấp trong quản lý và điều hành. Trong đó, thay đổi trong cơ cấu Hội đồng Quản trị là đáng chú ý. Không còn trong cơ cấu, việc bán lại cổ phần cũng là bình thường.

Và như đề cập ở trên, dường như có một vết nứt trong tập thể ngân hàng này đang diễn ra, khi hàng loạt quyết định cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác có trong thời gian ngắn. Một số người trong cuộc đề cập đến khoảng 1.000 cán bộ nhân viên bị nghỉ việc, hoặc bị điều chuyển - điều sẽ phản ánh cụ thể hơn ở các báo cáo hoạt động định kỳ.

Cùng với giả thiết sự ra đi của một nhóm cổ đông gắn với kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ nói trên, cùng quyết định cắt giảm một loạt biên chế vừa và đang diễn ra, Eximbank đang có nhiều thay đổi, khác với đổi thay. Tự tái cơ cấu cũng là một cách nói, nhưng triển vọng để tốt hơn hay kém đi qua những thay đổi đó hiện là khó nói…

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo