“Siết” đào tạo bậc cao đẳng, đại học đối với hệ cử tuyển
Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn nữa về các vấn đề liên quan đến đào tạo cao đẳng, đại học hệ cử tuyển như quy trình xác định chỉ tiêu học cử tuyển, đối tượng được học cử tuyển, thời gian làm việc bắt buộc của đối tượng cử tuyển…
Các nội dung này được thể hiện rõ trong Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Ngị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Dự thảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố chiều nay, ngày 9/10.
Cụ thể, theo quy định cũ, đối tượng cử tuyển “phải thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.”
Ở dự thảo mới bổ sung yêu cầu đối tượng cử tuyển “có thời gian học trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên."
Việc tổ chức cử tuyển cũng được quy định cụ thể hơn. Theo đó, hàng năm, khi lập kế hoạch cử tuyển ủy ban nhân dân các tỉnh, thành báo cáo tình hình quản lý đối tượng được cử tuyển, kết quả bố trí việc làm cho người học được cử tuyển sau khi tốt nghiệp trong 3 năm liên tiếp và căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của địa phương đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
Theo quy định cũ, các địa phương chỉ cần đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, không yêu cầu báo cáo tình hình cử tuyển các năm trước.
Dự thảo cũng bổ sung quy định Ủy ban dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xác định tổng chỉ tiêu nhân lực thuộc đối tượng cử tuyển của các địa phương.
Địa phương thông báo kế hoạch cử tuyển trước 12 tháng tính đến thời gian nhận hồ sơ đăng ký cử tuyển trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người được cử đi học theo diện cử tuyển sẽ lớn hơn. Cụ thể, thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác tối đa sẽ là 12 tháng kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp thay vì chỉ 6 tháng như trước đây.
Thời gian làm việc bắt buộc theo sự phân công của đơn vị cử tuyển với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được quy định tối thiểu bằng hai lần thời gian được hưởng học bổng, hỗ trợ kinh phí. Nếu không làm đủ thời gian này, người học sẽ phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Theo Nghị định đã ban hành trước đây, thời gian làm việc theo phân công của người học cử tuyển tối thiểu là 60 tháng (đối với người học trình độ đại học, cao đẳng) và 36 tháng (đối với người học trình độ trung cấp)./.
Theo VietnamPlus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo