"Sức khỏe" của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt
Tài sản tăng, chất lượng được cải thiện
Theo Báo cáo của UBGSTCQG, năm 2013 tổng tài sản của hệ thống TCTD đã tăng 15% so với năm 2012. Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch UBGSTCQG cho biết, mức tăng 15% này là tương đối cao. Bởi mức tăng 1% của những năm sau khác hẳn với mức tăng 1% của những năm trước. "Hiện tổng tài sản của hệ thống TCTD lớn hơn nhiều so với trước đây nên tăng 15% là rất lớn", ông Phước nhấn mạnh.
Quan trọng hơn là cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, khi tỷ trọng tài sản liên ngân hàng giảm từ mức 23% trong năm 2011 xuống còn 17% trong năm 2017.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự thay đổi này, ông Phước phân tích, nếu như năm 2011, trong 100 đồng tài sản của TCTD chỉ có khoảng 77 đồng huy động từ dân cư, còn lại có tới 23 đồng từ các TCTD gửi vào, thì đến năm 2013, 6 đồng này đã được thay thế từ tiền của dân. Đây là thay đổi quan trọng và nó khiến cho tài sản của hệ thống TCTD thực chất hơn.
Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống tăng lên. Nguyên nhân do tốc độ tăng trưởng huy động vốn (23,6%) cao hơn tốc độ tăng tín dụng (12,5%). Nhờ đó, tỷ trọng cho vay/huy động (LDR) giảm mạnh, từ mức 98% của năm 2011 xuống còn 85,4% trong năm 2013.
Một trong những tiêu chí quan trọng cho thấy sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang rất tốt là hệ số an toàn vốn luôn cao hơn mức tối thiểu theo quy định là 9%. Năm 2013, hệ số an toàn vốn đạt 12,8%.
Cho rằng xử lý nợ xấu cần phải có thời gian, lãnh đạo UBGSTCQG phân tích, nợ xấu đã dồn tích lại từ 8 năm qua, mà kỳ vọng xử lý hết trong vài tháng, một năm là không được.
"Nếu chỉ nhìn vào con số nợ xấu đã xử lý để đánh giá rằng VAMC hoạt động chưa hiệu quả là không nên, bởi VAMC vừa mới hoạt động được mấy tháng, trong khi khoản nợ xấu cần xử lý là rất lớn", vị này cho biết và thêm, khi nền kinh tế có dấu hiệu khá lên, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản khá lên thì nợ xấu cũng sẽ được cải thiện.
Tín dụng tăng nhanh và tốt hơn
Báo cáo của UBGSTCQG cũng cho biết, tín dụng tăng nhanh hơn và lãi suất thấp hơn. Cụ thể, trong năm 2013 tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9,8% của năm 2012. Lãi suất cho vay bình quân cũng giảm mạnh từ mức 20%/năm trong năm 2011 xuống còn 12%/năm trong năm 2013.
Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng theo loại tiền cũng cân đối hơn khi tỷ trọng tín dụng bằng VND đã tăng từ 81% trong năm 2012 lên 85% vào năm 2013. Ở chiều ngược lại, tín dụng ngoại tệ giảm từ 19% xuống còn 15%.
Tuy nhiên cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn không có mấy thay đổi trong giai đoạn 2011 - 2013. Theo đó, tín dụng ngắn hạn chiếm khoảng 58 - 59%, tín dụng trung - dài hạn chiếm khoảng 41-42%.
Mặc dù tín dụng tăng nhanh hơn, song chất lượng tín dụng được cải thiện. Báo cáo của UBGSTCQG cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu theo báo cáo ủa các TCTD bắt đầu giảm. Theo đó, nợ quá hạn đã giảm từ 11,3% trong năm 2012 xuống còn 8,8% trong năm 2013; nợ xấu cũng giảm tương ứng từ 4,2% xuống còn 3,6%. Nợ xấu theo thông lệ quốc tế cũng được kiểm soát và giảm xuống, dao động quanh mức 9-10%.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Phước cho biết, trước đây Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's từng đánh giá, nợ xấu của Việt Nam lên tới 15%. Tuy nhiên, theo NHNN Việt Nam nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%. "Ủy ban thấy mức nợ xấu 9% là có cơ sở và được áp dụng các chuẩn theo thông lệ quốc tế", ông Phước nói.
Cũng theo Báo cáo của UBGSTCQG, các TCTD đã xử lý được 106.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro khoảng 66.000 tỷ đồng và xử lý thông qua bán nợ cho VAMC khoảng 40.000 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển