Quốc tế

“Sức khỏe” kinh tế toàn cầu đang yếu đi

Chỉ một ngày sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát tín hiệu hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào đầu tháng 10 tới, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hôm 21/9 đã có động thái tương tự. Những con số này một lần nữa cho thấy sức khỏe của kinh tế toàn cầu đang tiếp tục yếu đi.

 

Trong báo cáo mới nhất, WTO đã hạ triển vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu 2012 xuống còn 2,5% từ mức 3,7% đưa ra trước đó do tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc và Mỹ.
 
 
Trước đó, IMF cũng cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu khi công bố báo cáo thường niên vào ngày 9/10 tới do tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công châu Âu, và sự suy giảm của kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
 
 
Hồi tháng 7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt xuống 3,5% và 3,9%. Tình hình hiện trở nên nghiêm trọng hơn tại châu Á, khu vực vốn đang trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
 

Ngày 20/9, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc xuống 3% từ 3,25% đưa ra hồi tháng 6 do kinh tế nước này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nợ công châu Âu, vấn đề nợ hộ gia đình. Tại Trung Quốc, các chuyên gia cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể chững lại 9 quý liên tiếp và xuống dưới 7% vào quý I/2013.
 
 
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm 2012 cũng được cho là sẽ giảm xuống còn khoảng 5,1% trong khi Chính phủ Nhật Bản liên tiếp phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế vào những tháng vừa qua. 
 
 
Trong bối cảnh, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã quyết định bơm một lượng tiền lớn chưa từng có nhằm kích thích tăng trưởng, cải thiện thị trường việc làm... Tuy nhiên, động thái này có thể gây ra hiệu ứng domino đối với các nền kinh tế mới nổi và buộc các nước này phải thực thiện các biện pháp nhằm giảm áp lực làm tăng giá đồng nội tệ.
 
 
Nhiều nhà phân tích cũng khẳng định rằng nới lỏng tiền tệ không phải là liều thuốc tiên để giải cứu kinh tế toàn cầu. Trước đây, trong giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009, Trung Quốc đã tung ra gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) và tăng cường hoạt động cho vay của ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng.
 
 
Sau khi suy giảm 7 quý liên tiếp và chạm đáy 6,2% vào quý I/2009, kinh tế Trung Quốc phục hồi, tăng trưởng 11,9% một năm sau đó. Tuy nhiên, chính gói kích thích khổng lồ này đã khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt với những hệ lụy mới như tình trạng tăng trưởng nóng gây ra bong bóng nhà đất, bong bóng tài sản...
 
 
 
 
Theo Kinh tế Đô thị

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo