Tin tức - Sự kiện

“Sức mạnh thép” thế nào?

So với tàu gỗ truyền thống, tàu cá vỏ thép được kỳ vọng với nhiều tính năng ưu việt: tốc độ nhanh, giảm tiêu hao nhiên liệu, an toàn, độ bảo quản sản phẩm tốt...

Tàu vỏ thép được đóng công nghệ hiện đại, trình độ cao. Ảnh: NGUYỄN HUY

Cơ sở sửa chữa tàu thuyền của Cty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy (gọi tắt Cty Bảo Duy) ở Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng gần âu thuyền Thọ Quang tất bật việc thay mới hệ thống con lăn, giá kéo tàu thuyền, cùng hàng loạt đơn hàng nhập ngoại thiết bị đóng tàu vỏ thép.

Theo Tổng giám đốc Trần Công Vinh, toàn bộ thiết bị đóng, sửa chữa tàu vỏ thép (máy cán tôn cắt tự động, máy lốc cuốn tôn, bo mũi tàu, máy tiền băng dài, máy hàn Plasma...) được nhập từ Mỹ, Đức, Nhật.
 
Nguyên liệu tôn đóng tàu, được Cty này chủ động ký với đối tác lớn từ thị trường Nhật, Nga, Hàn Quốc để đảm bảo chất lượng. “Trước đây, một số tàu dịch vụ, vận tải lựa chọn tôn Trung Quốc có giá rẻ nhưng chất lượng không tốt, độ bền kém. Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân phải lựa chọn chất lượng tốt nhất”, ông Vinh nói.
 
Nổi tiếng khắp Đà Nẵng trong lĩnh vực đóng tàu cá cho ngư dân, Cty Bảo Duy đang chuyển mình phát triển lĩnh vực đóng tàu vỏ thép. Trước đó, Cty này hạ thủy 6 tàu gỗ “khủng” và đang đóng mới 1 tàu công suất 900CV cho ngư dân Đà Nẵng. 
 
Ông Vinh bảo: So với tàu gỗ, trang thiết bị hàng hải, hệ thống máy, ngư cụ tàu vỏ thép phải đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính năng cao nhất. Do đó, nó hoạt động ổn định, an toàn, khả năng ứng chịu thiên tai trong điều kiện gió bão cấp 7-8.
 
 “Sức mạnh thép”
 
Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC)- đơn vị tiên phong, đóng và hạ thủy thành công 3 tàu vỏ thép đầu tiên cho ngư dân Nam Định và Quảng Ngãi, sẽ có những bước khảo sát sơ bộ về hiệu quả tàu vỏ thép. 
 
Trao đổi qua điện thoại, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC cho hay: 2 tàu thép lưới rê được bàn giao cho ngư dân Nam Định từ tháng 12/2013 đi được 3-4 chuyến biển; tàu lưới kéo của anh Mai Thành Văn (Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đi được 1 chuyến biển, bước đầu có những phản hồi tích cực, tiêu hao nhiên liệu ổn định, hiệu quả cao. 
 
Theo ông Lâm, so với tàu gỗ, tàu vỏ thép có mức đầu tư lớn, nhưng bù lại nó có nhiều tính năng ưu việt độ an toàn khai thác hải sản, tốc độ lớn, khả năng bám biển dài ngày, phạm vi đánh bắt xa bờ, độ bảo quản sản phẩm cực tốt...
 
Anh Mai Thành Văn chủ tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 nhận định: Thực tế sau chuyến biển gần 40 ngày bằng con tàu vỏ thép cho thấy tàu hoạt động rất tốt, khả năng di chuyển nhanh; chủ động ứng phó các tình huống trên biển. Các trang thiết bị trên tàu giúp việc khai thác thuận lợi hơn.
 
Ông Vinh cho rằng, tàu vỏ thép có tuổi thọ cao hơn tàu vỏ gỗ, riêng khung sườn ít nhất đạt 30 năm. Tàu gỗ hết hạn sử dụng chỉ lấy gỗ làm củi. Nhưng với tàu vỏ thép vẫn có thể bán phế liệu giá cao. Mức đầu tư tàu vỏ thép lớn, bù lại nếu khâu tiểu bảo dưỡng tốt, tự khắc phục những vết bong sơn, rỉ sét nhỏ bên ngoài, một con tàu vỏ thép khoảng 3-5 năm mới phải kiểm tra sửa chữa một lần. 
 
Con tàu vỏ gỗ đi vào hoạt động, phải định kỳ bảo dưỡng 1-2 lần/năm. Mỗi lần ngốn trên dưới 100 triệu đồng. “Gặp sóng to, gió lớn, thuyền viên trên tàu chỉ cần đóng kín hệ thống cửa, khoang chứa, con tàu sẽ như một cái phao, không bị đánh chìm như tàu gỗ”, ông Vinh nói. 
 
Đáng kể, mức tiêu hao nhiên liệu tàu vỏ thép chỉ bằng 80-90% so với tàu gỗ do ít lực cản, lướt tốt. Khả năng bảo quản sản phẩm cao, tiêu hao đá ít. Thực tế, sau chuyến biển gần 2 tháng, 1 tàu vỏ thép chỉ mất khoảng 20% lượng đá trong khoang lạnh.
 
Tương thích từ ngư dân      
 
Theo ông Lâm, mỗi khi bàn giao tàu thép cho ngư dân, bộ phận kỹ thuật SBIC đều có bản hướng dẫn chi tiết cách thức sử dụng, bảo dưỡng trang thiết bị hàng hải, hệ thống máy, ngư cụ trên tàu. Còn lại phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm khai thác của ngư dân. 
 
Chủ tàu Mai Thành Văn cho rằng, tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm nhưng do chuyến biển đầu tiên nên chưa phát huy hết thế mạnh, tầm hoạt động của tàu vỏ thép, việc tiêu hao nhiên liệu còn lớn, sản lượng ít. Chuyến biển thứ 2 này, tàu Hoàng Anh 01 khắc phục để khai thác hiệu quả hơn.
 
Ông Trần Công Vinh cho hay: Để phát huy tính năng ưu việt của tàu vỏ thép, đòi hỏi sự tương thích từ chính thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên trên tàu. Trong đó đòi hỏi kỹ năng hàng hải, trình độ thuyền trưởng, khai thác hải sản chuyên nghiệp, bài bản hơn. Cụ thể, với nghề lưới rê, trên tàu gỗ rải dài 8km, còn với tàu vỏ thép phải rải dài khoảng 40km. 
 
Khi đó, không thể dùng sức ngư dân kéo lưới thủ công mà phải bằng hệ thống máy tời, kèo. Ngư dân phải được trang bị những kỹ năng này mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Anh Lê Văn Sang (Hải Châu, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa- 90424 cho hay, tàu vỏ thép tốn tiền, không chỉ bởi chi phí thân vỏ, mà còn đắt ở hệ thống máy, ngư cụ. 
 
Tính riêng máy tàu 800CV, tốn khoảng 2,5 tỷ đồng, máy tầm ngư 1,6 tỷ đồng. Máy móc hiện đại, đòi hỏi trình độ thuyền trưởng, thuyền viên và máy trưởng phải cao hơn so với tàu gỗ truyền thống.
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo