“Tẩy sạch” ngành chăn nuôi
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì kiểm tra, làm rõ thông tin nhiều cơ sở chăn nuôi ở tỉnh này sử dụng chất độc hại cho heo ăn nhằm tăng nạc, tăng trọng…, sáng 17-3, các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp để bàn giải pháp ngăn chặn hiện trạng trên.
Điêu đứng với chất siêu nạc
Hàng tấn sản phẩm được quảng cáo là giúp heo siêu nạc, tăng nạc, bung đùi, nở mông…liên tiếp được phát hiện ở Đồng Nai những ngày qua đã khiến ngành chăn nuôi heo ở tỉnh này lao đao. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang giám định xem số sản phẩm này có chất cấm (nhóm beta-agonist như ractopamine, clenbuterol, salbutamol) hay không.
Theo nhiều nghiên cứu, nếu ăn phải thịt heo có chất cấm, đặc biệt là nội tạng có thể bị ngộ độc cấp với triệu chứng sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy, tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và có thể tử vong, thậm chí ung thư nếu ăn lâu dài.
Thực tế giờ đây nhiều người tiêu dùng ra chợ hay siêu thị đều ngại mua thịt heo, nhất là thịt heo có nhiều nạc vì nghi bị nhiễm chất cấm. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay trước thời điểm “cơn bão siêu nạc” này bùng phát ở Đồng Nai, giá heo hơi được bán ra với giá 52.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 42.000 đồng/kg. Theo ông Công, các thành viên trong hiệp hội đang bị lỗ nặng vì giá thành mỗi ký heo hiện nay là 48.000 đồng.
Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Đồng Nai, ngán ngẩm: “Dùng thức ăn có chất cấm chỉ 15-20 ngày heo đã bung đùi, bung nạc. Trong khi đó, để tạo ra con giống có chất lượng tốt, tỉ lệ nạc cao phải tốn thời gian dài với công thức lai thích hợp, dinh dưỡng đầy đủ.
Chất tạo nạc đã làm mất sự công bằng trong chăn nuôi, lung lạc niềm tin ở người tiêu dùng”. Theo đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai, nhờ có thương hiệu, có vốn, họ vẫn có thể sống lay lắt trong “cơn bão siêu nạc” này nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó khăn vì bán không được heo.
Ngăn chặn tận gốc
Không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhấn mạnh: “Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng do không có biện pháp giải quyết triệt để nên đã bùng phát nặng nề. Có cầu mới có cung, do đó ngoài xử lý người sử dụng, phải xử lý mạnh cả các đơn vị sản xuất, cửa hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cố tình bán chất tạo nạc, tăng trọng”.
Ông Phạm Đức Bình cho rằng hiện tượng dùng chất cấm cho heo ăn chủ yếu xảy ra ở những cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do các cơ sở này có con giống còi cọc, ít nạc nên bị thương lái ép dùng chất tạo nạc để “nâng cấp” heo nhằm bán chạy hàng.
Để ngăn việc sử dụng chất cấm, theo ông Phạm Văn Bộ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chính quyền cần yêu cầu thương lái cam kết không mua bán heo tạo nạc, nếu bị phát hiện phải chịu chi phí tiêu hủy. Cũng theo ông Bộ, các trạm thu y phải tăng cường kiểm soát để phát hiện xe heo của thương lái nào có heo tạo nạc.
Từ thương lái, cơ quan chức năng sẽ dò ra trại heo cho ăn chất cấm, rồi nơi bán, sản xuất chất cấm. Trên cơ sở đó mà quy trách nhiệm, xử phạt. Còn ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty Súc sản Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho rằng: “Muốn làm triệt để phải kiểm soát được chất cấm được sản xuất từ đâu để ngăn chặn tận gốc”.
Đề nghị phạt từ 200 – 400 triệu đồng
Về chế tài xử phạt các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, ông Trần Văn Quang, Phó Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết: Theo quy định hiện nay cá nhân người chăn nuôi sử dụng chất cấm bị phạt từ 1 - 5 triệu đồng, còn trang trại chăn nuôi bị phạt 5 - 25 triệu đồng. Theo ông Quang, khó khăn cho cơ quan quản lý hiện nay là mỗi năm chỉ được 2 lần kiểm tra các cơ sở chăn nuôi nhưng phải gửi văn bản thông báo trước.
Còn nếu muốn kiểm tra đột xuất thì phải tìm được dấu hiệu vi phạm của cơ sở. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng mức chế tài xử phạt như trên còn thấp và kiến nghị UBND tỉnh cần tăng mức phạt lên 200 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp khác như đóng cửa cơ sở chăn nuôi, nơi sản xuất, bán chất cấm hoặc kinh doanh thịt có chất cấm và công bố “danh sách đen” những cơ sở vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo