Quốc tế

"Thanh kiếm" ICBM của Nga mạnh hơn "lá chắn" của đối thủ

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho biết đối với tên lửa Nga, việc chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Bộ Quốc phòng Nga đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-12M Topol. Phát biểu trên Sputnik, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov lưu ý rằng, đối với các tên lửa Nga, việc chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo thông tin vừa được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra, các đơn vị chiến đấu của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-12M Topol từ thao trường Kapustin Yar, tỉnh Astrakhan.

 Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-12M Topol

"Đợt phóng được thực hiện nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu các trang thiết bị hiện đại của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đầu đạn đã trúng mục tiêu giả định đặt trong khu thử nghiệm Sary-Shagan (Cộng hòa Kazakhstan)", theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, giám đốc thương mại tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc", bình luận về cuộc thử nghiệm này.

"Cuộc thử nghiệm này đã kiểm tra khả năng chiến đấu của đầu đạn tên lửa. Dù trong cuộc thử nghiệm, đầu đạn không chứa hạt nhân, nhưng nó đã hoạt động theo các nguyên tắc tạo cơ sở cho việc hiện đại hóa các tên lửa đạn đạo, để sớm cung cấp cho quân đội các loại tên lửa mới đang được phát triển. Ở đây nói về đầu đạn có thể đạt vận tốc siêu thanh, có thể cơ động rất nhanh vì thế các hệ thống phòng thủ tên lửa không đủ khả năng để phát hiện và đánh chặn các loại tên lửa mới khi chúng tiếp cận mục tiêu. Do đó, "lá chắn tên lửa" của các đối thủ thua kém "thanh kiếm của chúng tôi", — ông Aleksey Leonkov nói.

Theo ông Leonkov, việc chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các tên lửa Nga.

"Bây giờ trên địa bàn Romania và Ba Lan sát gần biên giới của Nga đang triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, trên biên giới phía Đông, người Mỹ đang tìm mọi cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga để bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa. Vì vậy, đối với các tên lửa đạn đạo của chúng tôi, việc chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng, vào những năm 2018-2020, các nhà phát triển của chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch và sẽ bắt đầu trang bị lại các tên lửa đạn đạo với đầu đạn hiện đại", — chuyên gia quân sự cho biết.

 

 

Nên đọc
theo Sputnik
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo