“Thay tên đổi họ”, sữa ngoại làm loạn thị trường
Nhìn vào bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan, mức giá nhập khẩu, từ 4-5 USD/ hộp (khoảng 80.00 - 100.000đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000-900.000 đồng, gấp 5-9 lần giá nhập khẩu. Sở dĩ giá sữa tăng cao và các hãng sữa ấn định giá bán vượt quá xa so với giá nhập khẩu là do các mặt hàng này đang bị buông lỏng quản lý.
Theo quy chuẩn quốc gia sản phẩm sữa dạng bột, độ đạm phải đạt tối thiểu 34%. Đây là “lỗ hổng” giúp hàng loạt sản phẩm sữa cho trẻ em trên thị trường hiện nay “biến” thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...
Từ năm 2011, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cùng với Sở Tài chính các địa phương kiểm soát rất chặt mặt hàng này. Mỗi lần tăng giá, các hãng sữa đều phải kê khai chi phí với cơ quan chức năng. Nếu xét thấy các chi phí tăng không hợp lý, cơ quan chức năng có quyền bác mức giá mới.
Tuy nhiên, từ cuối 2012 đến nay, các mặt hàng sữa bị “trượt” hết ra khỏi “màng lọc” của quy định, không nằm trong danh mục đăng ký giá.
Theo đó, Thông tư 122 (2010) của Bộ Tài chính quy định, sữa dạng bột pha chế công thức (formula milk) phải có chữ sữa (milk) thì mới nằm trong danh mục đăng ký giá. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế (Thông tư 41/2011) thì sản phẩm phải có độ đạm 34% trở lên mới được gọi là sữa. Do đó, toàn bộ các sản phẩm trước đây gọi là “sữa cho trẻ em” nghiễm nhiên trở thành “thực phẩm bổ sung” trên văn bản, dù trên thực tế ai cũng gọi nó là sữa.
Trong văn bản của các hãng sữa ngoại gửi Cục Quản lý giá, không có sản phẩm nào là sữa mà đa phần là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng. Chỉ với một động tác thay tên đổi họ đơn giản, những sản phẩm mà mọi người đều biết đến là “sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” đã nghiễm nhiên ra khỏi danh sách bình ổn giá.
Bên cạnh nguyên nhân từ lỗ hổng quản lý, một số chuyên gia nhận định các hãng sữa ngoại đang lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng để áp đặt các mức giá bán cao bất hợp lý.
“Thông qua quảng cáo cứ lặp đi lặp lại tạo tâm lý đám đông khiến các hãng sữa ngoại lợi dụng vị thế cạnh tranh độc quyền để áp đặt giá cả” - Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư kí hội thẩm định giá Việt Nam nhận định.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thụ tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa ngoại thậm chí đã chi cho quảng cáo gấp đến 4 lần mức cho phép, lên đến 40%.
Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được các hãng sữa ngoại đổ vào quảng cáo, tiếp thị. Điều này lý giải vì sao các thương hiệu sữa ngoại ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Các chi phí dùng một cách vô tội vạ cho quảng cáo và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ chưa vào cuộc thanh tra về giá sữa do các sản phẩm này hiện không thuộc diện kiểm soát giá của Cục.
Ông Tuấn cho biết thêm, Cục quản lý giá đang xem xét để kiến nghị bổ sung thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vào vào danh mục hàng bình ổn giá. Nửa năm ngoài sự quản lý đó, các hãng sữa ngoại đã kịp tăng giá 5 lần với mức tăng 20% và người tiêu dùng Việt Nam đã chịu đủ thiệt thòi.
Cũng liên quan tới quy trình kiểm soát mặt hang này, đầu tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã áp dụng mức phạt kỷ lục là 10 triệu USD đối với hành vi thao túng giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng đang hy vọng các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng sẽ có những biện pháp mạnh tương tự đối với hành vi này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax