Chứng khoán

“Thị trường chứng khoán thế này thì cổ phần hóa thế nào?”

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đáng ra phải bán hết vốn thì vẫn cố giữ lại một phần, thậm chí lên đến 70%, cũng như cố "giữ chỗ" cho lãnh đạo doanh nghiệp cũ... Một số cản trở đối với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã được đề cập tại cuộc tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 29/8.

Tại đây, ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, phương án sắp xếp đổi mới theo chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Chính phủ yêu cầu đến năm 2015 phải thực hiện xong, nhưng thực tế diễn ra rất chậm.

Một số bất cập của quá trình này cũng được ông Học đề cập đến.

Thứ nhất, phương án cổ phần hóa doanh nghiệp được xây dựng không triệt để. Doanh nghiệp nhà nước không cần giữ vốn lại vẫn để nhà nước giữ vốn, để tiếp tục có vai trò can thiệp của Nhà nước với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không cần giữ vốn chi phối vẫn cứ muốn giữ vốn chi phối thậm chí có khi giữ 70-80%. Một số trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò lãnh đạo công ty cổ phần.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Thứ hai, trước khi cổ phần hóa theo cơ chế của nhà nước phải xử lý tồn tại tài sản, tài chính, công nợ và cả lao động dôi dư. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp làm ăn khó khăn và “treo” các vấn đề này để cổ đông tiếp nhận giải quyết. SCIC đã tiếp nhận vốn khoảng 950 doanh nghiệp, 80% trong số đó có quy mô nhỏ, kinh doanh không hiệu quả, nhiều vấn đề tài chính cần giải quyết.

Mặt khác, khi cổ phần hóa, các bộ, ngành, địa phương chưa giải quyết dứt điểm chính sách với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Do đó, có tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương phải lựa tình hình thực tế để giải quyết theo hướng “lãnh đạo già thì cho về hưu, lãnh đạo trẻ thì vẫn giữ lại cho làm lãnh đạo”.

Điều này dẫn đến tình trạng, “đáng ra phải bán hết vốn, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ lại để dành vị trí cho lãnh đạo cũ”, ông Học nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết nhân sự sau cổ phần hóa, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đây là một trong những trở ngại trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Theo đó, việc phân định chức năng theo hướng “cùng một con người trong bối cảnh này làm chức năng quản lý nhà nước, trong bối cảnh kia làm chức năng quản lý kinh doanh” là rất khó. Bởi lẽ, một người không thể thực hiện cùng lúc hai vai một cách hoàn hảo, mặt khác, khi bộ chủ quản quản lý doanh nghiệp, sẽ khó tránh khỏi các ưu tiên, đặc quyền dành cho “con đẻ của mình”.

Đồng thời, ông Chương cho rằng, hiện đang có xu hướng điều động cán bộ quản lý nhà nước về quản lý doanh nghiệp, đây là điều không hợp lý. “Điều động ngược lại thì hợp lý hơn”, ông Chương nói.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, có những quy định đúng nhưng không làm rõ thì doanh nghiệp khó thực hiện. Cụ thể, “việc thoái vốn, cổ phần hóa là đúng, nhưng thị trường chứng khoán đang như thế này thì cổ phần hóa thế nào?”, ông Huệ phân tích.

Một yêu cầu được Nhà nước đặt ra đối với hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước là “thoái vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước”. Đây là nguyên tắc được Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho là “yên tâm cho người làm chính sách nhưng khó trong quá trình thực hiện”.

Ông phân tích, bài toán quản trị của các doanh nghiệp không đơn giản như một cộng một bằng hai. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cần có quyền quyết định lựa chọn phương án có lợi nhất.

“Có thể, lần này thoái dưới giá trị sổ sách nhưng lần sau tốt hơn, như vậy cũng hiệu quả. Làm sao vừa quản lý chặt chẽ vừa đúng nguyên tắc thị trường”, ông Huệ nhấn mạnh.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo