“Thời buổi này mà ra văn bản “ngăn sông, cấm chợ là không được”
Tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức sáng 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nhũng nhiễu, tiêu cực…
Còn nhiều thủ tục gây phiền hà
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, trong thời gian qua công tác CCHC và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều CCHC được thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng khẳng định, cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp đã được bãi bỏ.
“Thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nhũng nhiễu, tiêu cực… Thiết lập môi trường bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp hoạt động”, ông Tụng nói.
Cho rằng “có cải cách nhưng nghe còn nặng nề”, Thủ tướng dẫn chứng, trước đây đã có yêu cầu chuyển Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc ở các cấp huyện về trực thuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường, như thế sẽ bỏ bớt được một cấp, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa làm được với lý do phải xây dựng đề án.
“Chuyển cái này hết sức đơn giản, chỉ chuyển từ trực thuộc cấp huyện thành cấp sở và vẫn giữ nguyên trạng, không tăng biên chế. Chỉ có thế thôi mà cũng phải đề án. Chúng ta đang mắc cái “bệnh” cái gì cũng phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án. Trong khi xây dựng đề án, quy hoạch, chiến lược đều phải mất tiền cả”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, nhiều thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, gây tốn kém chưa được sửa đổi hay sửa đổi rất chậm. Trong nhiều vấn đề chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chưa rõ, còn trùng lắp, không rõ trách nhiệm “con gà, quả trứng” gây khổ sở người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý về phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân. “Có khi không phải do quy định, thủ tục mà do phẩm chất, trách nhiệm tận tình phục vụ dân chưa cao. Hôm nay dân đến đòi thêm thủ tục này ngày mai dân đến đòi thêm dấu phết kia”, Thủ tướng nói và cho rằng, tất cả những hạn chế này đang làm cản trở nỗ lực cải cách, đang làm chậm đi sự phát triển của đất nước. “Tôi, người đứng đầu Chính phủ hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thời nay đâu còn “ngăn sông, cấm chợ”
Đề cập đến nhiệm vụ cải cách thể chế, Thủ tướng lưu ý Hiến pháp mới ban hành, đề cao quyền con người, quyền công dân, quyền tự do dân chủ của người dân, tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Do đó, việc ban hành văn bản pháp quy theo thẩm quyền chú ý đến tính khả thi, hợp Hiến, hợp pháp.
“Thời buổi này mà ra văn bản “ngăn sông, cấm chợ là không được”, Thủ tướng nói và đề nghị cần chú ý có giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản pháp quy chậm. “Thể chế xuất phát từ cuộc sống mà cuộc sống thì vận động không ngừng. Quan điểm bảo thủ sửa thì sợ là không nên, phải dũng cảm nhìn nhận phản hồi từ cuộc sống thấy không đúng thì phải sửa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng trong cải cách thể chế cần tập trung vào cơ chế chính sách, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đã là kinh tế thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy tắc, quy luật của thị trường; là phân bổ nguồn lực theo thị trường, giá cả theo thị trường, công khai minh bạch. Cái gì chưa thị trường phải hoàn thiện, phải sửa. Định hướng XHCN thì phải thông qua nhà nước bằng công cụ, chính sách để phân phối để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội để thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để trên cơ sở đó xây dựng vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn cũng như tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời đưa ra tiêu chuẩn mới để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức. “Vừa qua ở địa phương báo cáo lên Bộ Nội vụ tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ ở các địa phương là 0,5%, còn các bộ 0,6%. Tuy nhiên xã hội không đồng tình”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị chỉ đạo tập trung quyết liệt đưa công nghệ thông tin vào nền hành chính, thông qua mạng để giải quyết nhiệm vụ công liên quan người dân và doanh nghiệp. Làm sao khi cấp phép, nộp thuế người dân đừng lên cơ quan Nhà nước nữa, đừng gặp cán bộ nữa mà qua mạng hết. Qua mạng tiết kiệm bao nhiêu thời gian công sức, giảm tiêu cực này kia rất nhiều.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024