Thị trường

"Tiền chùa": Chẳng lẽ lại tham gia đầu tư tất?

"Không phải nhà nước cái gì cũng đầu tư. Nhà nước chỉ làm những ngành không ai có thể làm được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển (phải) cho rằng phải có DNNN lấy lợi nhuận làm mục tiêu. (Ảnh IT)

Nhiều ý kiến xoáy vào việc tiền đầu tư của Nhà nước sẽ dùng thế nào, đầu tư vào đâu, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp chiều 17/4.

 
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, mục tiêu ra đời Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong thời gian qua.
 
Luật cũng hướng tới khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Dự án Luật cũng quy định đối tượng áp dụng là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp...
 
Trao đổi về việc này, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Nhà nước đầu tư vào DN nhằm mục đích gì? Cho rằng trong luật phải có một điều nói về việc này, ông Hiển đề nghị Luật phải bổ sung thêm một điểm là DNNN tham gia vào kinh tế thị trường để khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay.
 
“Nhà nước tham gia làm kinh tế, ngoài để ổn định kinh tế vĩ mô thì phải thu được kết quả gì? Ngoài DN chỉ có mục tiêu điều tiết thị trường vẫn phải có bộ phận DN lấy lợi nhuận làm mục tiêu” – ông Hiển nói.
 
Đồng tình với việc ban hành luật, song Chủ nhiệm UBTCNS cũng đề nghị việc nhà nước đầu tư vào DN phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, không thể đầu tư ngoài phạm vi và phải đúng quy hoạch và kế hoạch.
 
Ngoài chủ trương đầu tư, ĐB trong UBTVQH cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật khác như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu...tránh bị chồng chéo lẫn nhau.
 
Trước thực trạng DNNN đang quá nhiều, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đang có tình trạng đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước không cần phải đầu tư.
 
“Trong khi chúng ta đang cần phát triển các thành phần kinh tế, vậy nhà nước đầu tư đến đâu thì phải tính cho kỹ. Cần phải có bài toán chiến lược về quản trị”.
 
Khái niệm DNNN hiện đang tồn tại ở 3 dạng: sở hữu 100%, trên 51%, và dưới 51% vốn. Vậy làm luật này sẽ giải quyết được những gì trong bối cảnh hiện nay?
 
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với DN phần vốn nhà nước chỉ có 5 – 10%, nếu thấy không cần thiết thì phải bán. Ngược lại nếu đang chỉ sở hữu 51% vốn nhưng lại cần phải lên 100% vốn nhà nước thì phải bỏ tiền ra mua. Nhưng xu hướng sẽ là thu hẹp dần DNNN.
 
Đây cũng là xu thế chung trên thế giới, lúc đầu thường có nhiều DNNN, nhưng rồi họ sẽ bán dần, thu hẹp lại. Ngay cả một số lĩnh vực trọng yếu như sân bay, tàu bay, dầu khí, hay quốc phòng an ninh...ở Hàn Quốc, Singapore, Mỹ cũng chỉ sở hữu một phần vốn, hoặc bán toàn bộ.
 
“Chúng ta cũng phải tính chuyện những lĩnh vực quan trọng như vậy thì sẽ làm đến đâu? Làm ngành nào, nghề nào, trên nguyên tắc gì?... Tiền nhà nước không đầu tư vào DN, mà chỉ tập trung đầu tư vào y tế, giáo dục, văn hóa xã hội...” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
 
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như trong Luật vẫn còn quá chung chung, cần phải rất cụ thể, rõ ràng mới được. Chẳng hạn như quy định đầu tư vào những dự án thiết yếu thì quá dàn trải, vì cái gì cũng thiết yếu cả. Từ xi măng, sắt thép, đến dược, bệnh viện, bưu chính, viễn thông...đều rất thiết yếu, chẳng lẽ lại tham gia đầu tư tất?
 
“Nhà nước đầu tư vào những dự án trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh? Trời đất ơi! Thử hỏi có bao nhiêu ngành phục vụ quốc phòng? Cơ khí, hay xa hơn như sản xuất gạo, quần áo cũng đều có thể phục vụ quốc phòng. Không phải nhà nước cái gì cũng đầu tư. Nhà nước chỉ làm những ngành không ai có thể làm được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo