“Tính toán GDP cần được minh bạch hơn”
Lâu nay, các con số thống kê và tính minh bạch thông tin kinh tế luôn là vấn đề được trở đi trở lại ở nhiều diễn đàn kinh tế và cả diễn đàn Quốc hội.
Vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành, báo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 đã dành dung lượng đáng kể để đánh giá công tác thống kê của Việt Nam.
Đây là một trong những điểm nghẽn thể chế ít được đề cập trong các nghiên cứu nhưng lại có vai trò quyết định đến chất lượng và sự hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, định hướng chiến lược phát triển kinh tế cũng như công tác thẩm tra giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh trong lời giới thiệu.
Theo các tác giả Lê Hồng Giang và Nguyễn Trí Dũng, nhiều chuỗi số liệu hiện nay đã được công bố công khai nhưng còn khá nhiều băn khoăn.
Chẳng hạn, trong những năm gần đây, khi cơ quan thống kê công bố tăng GDP theo giá thực tế rất cao nhưng lại chưa có giải thích rõ ràng mức tăng đó được tính vào mục nào và vì sao tăng.
Ví dụ, GDP năm 2012 công bố ban đầu tăng 5,02% nhưng sau đó tính lại tăng 5,23%.
Hay GDP từ năm 2009 đột ngột được tính tăng lên, đặc biệt nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm mỗi năm được tính tăng lên đều đặn so với số cũ 309%.
Băn khoăn của các tác giả nằm ở chỗ, giá trị sản xuất của hoạt động ngân hàng thường bao gồm doanh thu từ các dịch vụ trực tiếp, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng và phần chi thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, vậy ngành ngân hàng được tính tăng lên trên 309% là cho các hoạt động nào?
Các tác giả phân tích, từ 2009 đến nay có những năm tín dụng được nới lỏng, có năm thắt chặt và mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay cũng rất khác nhau. Và như vậy mỗi năm tỉ lệ của các hoạt động chính hình thành nên giá trị sản xuất của ngân hàng của mỗi năm cũng rất khác nhau mà không thể là một con số chằn chặn như vậy được..
Hơn nữa, phần giá trị sản xuất của ngành ngân hàng do hoạt động tín dụng phải được phân bổ lại trong các ngành khác của nền kinh tế và tổng GDP là không đổi trong trường hợp này.
Báo cáo cũng chỉ ra việc niên giám thống kê định nghĩa “tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” nhưng trong nội dung số liệu công bố lại cho thấy tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế đúng bằng với GDP. Như vậy thì “thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” được tính vào chỗ nào? Một điểm khó hiểu nữa là ở các nước thường không có khung thuế suất cho nhập khẩu dịch vụ.
Thông thường việc lấy giá năm gốc là ở những năm có bảng nguồn hoặc sử dụng và bảng I/O từ đó làm cơ sở để tính GDP về giá so sánh. Tuy nhiên hiện nay việc tính GDP về giá so sánh năm gốc ở Việt Nam không theo chuẩn mực quốc tế, theo các tác giả cũng dẫn tới GDP theo giá so sánh có thể bị bóp méo để ép tốc độ tăng trưởng, từ đó dẫn đến chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) rất khó lý giải trong một số trường hợp. Đối với các tỉnh/thành phố chỉ số này thường rất thấp để GDP tăng cao, điều này không chỉ diễn ra ở các địa phương mà còn ở cả cấp quốc gia.
Đây chính là câu trả lời cho những thắc mắc bấy lâu nay của nhiều đại biểu Quốc hội và người dân mà chưa được cơ quan chức năng trả lời rõ ràng là tại sao lại có hiện tượng GDP các tỉnh công bố hầu hết trên 10% nhưng GDP cả nước chỉ khoảng 6-7%.
Vẫn liên quan đến GDP, nhóm tác giả phân tích chỉ số CPI là tổng hòa của chỉ số giá của sản phẩm sản xuất trong nước và chỉ số giá nhập khẩu.
Nhìn vào số liệu công bố năm 2013, chỉ số điều chỉnh GDP là 4,8%, chỉ số giá nhập khẩu giảm -2,03%, nhưng chỉ số CPI vẫn là 6,6%.
Những con số này không đảm bảo sự gắn kết và logic với nhau và các chuyên gia buộc phải đặt câu hỏi “phải chăng chúng ta chủ động lấy chỉ số giá tính GDP thấp để đạt tăng trưởng năm 2013 là 5,42%?, báo cáo nêu rõ.
Với quan điểm để nâng cao chất lượng công tác thống kê phải bắt đầu từ việc tuân thủ chặt chẽ 5 tiêu chí: bao quát, kịp thời, nhất quán, minh bạch và chính xác, nhóm tác giả đã đưa ra khá nhiều khuyến nghị.
Một trong số đó là việc tính toán chỉ tiêu GDP cần được minh bạch hơn, làm rõ về mặt phương pháp luận tính toán GDP ở Việt Nam.
Đây được cho là những kiến nghị khá kịp thời và có ý nghĩa trong bối cảnh Luật Thống kê đang được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Cột tin quảng cáo