“Trung Quốc sẽ là khởi nguồn của mọi bất ổn với kinh tế toàn cầu”
Đây là dự đoán của ông Ruchir Sharma, người phụ trách các thị trường mới nổi thuộc công ty Quản lý Đầu tư Morgan Stanley. Theo chuyên gia này, tình trạng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong những năm tới có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng mà ông cho là tương đương với suy thoái thế giới. Theo đó, đây sẽ là cuộc suy thoái đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ mà nguyên nhân không phải do kinh tế Mỹ suy giảm.
“Suy thoái kinh tế toàn cầu lần tới nếu xảy ra thì nguyên nhân chính là Trung Quốc. Trong một vài năm tới, Trung Quốc sẽ là nguồn nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu”, chuyên gia Sharma phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg tại New York.
Theo ông Sharma, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, tầm ảnh hưởng của quốc gia này đã gia tăng khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 38% tăng trưởng GDP toàn cầu, tăng từ mức 23% ghi nhận trong năm 2010. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất đồng, nhôm và bông, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước từ Brazil đến Nam Phi.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,3%, giảm so với mức dự báo 5% đưa ra hồi tháng Tư, viện dẫn tình trạng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại. Trong khi IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,8% - đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990, định chế này cho biết, những khó khăn lớn hơn khi Trung Quốc chuyển đổi sang môi hình tăng trưởng mới đang đặt ra mối nguy cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia Ruchir Sharma nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong bối cảnh quốc gia này phải vật lộn với việc cắt giảm nợ công. Theo ông, chỉ cần kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thêm 2 điểm % nữa là đủ để đẩy thế giới vào tình trạng suy thoái.
Trong 50 năm qua, kinh tế toàn cầu đã giảm xuống dưới 2% trong 5 giai đoạn khác nhau, và lần gần đây nhất là vào năm 2008 – 2009. Tất cả những cuộc suy thoái thế giới trước đây đều xảy ra khi Mỹ - nền kinh tế đầu tầu - tăng trưởng chậm lại.
Nói về lĩnh vực đầu tư, chuyên gia Sharma cho hay, ông sẽ tránh xa cổ phiếu Trung Quốc và cổ phiếu của các quốc gia phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, trong đó có Brazil, Nga và Hàn Quốc. Thay vào đó, ông ủng hộ mua cổ phiếu của các công ty tại Đông Âu và các quốc gia châu Á nhỏ hơn, chẳng hạn như Philippines, Việt Nam và Pakistan.
Trong vài tuần qua, giới đầu tư vào thị trường chứng khoán trị giá 6,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã lâm vào cảnh hoảng loạn sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc không phanh. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 30% trong 4 tuần tính đến 8/6, khiến giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi gần 4.000 tỷ USD. Những biện pháp can thiệp thị trường chưa có trong tiền lệ của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy thị trường đã không lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cho đến khi các nhà chức trách ban hành lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng và cho phép trên một nửa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán ngừng giao dịch.
Chuyên gia Sharma cho rằng, tình trạng thị trường chứng khoán sụp đổ đã thách thức niềm tin lâu nay của một số nhà đầu tư rằng, giới chức Trung Quốc có sự am hiểm đầy đủ về kinh tế và các thị trường, và rằng chính phủ Trung Quốc luôn có thể đạt được mục tiêu của họ.
“Những gì xảy ra tại Trung Quốc hồi tuần trước cho thấy thị trường ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Theo đó, giới đầu tư sẽ mất niềm tin vào thị trường này trong một thời gian nhất định”, chuyên gia Sharma kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo