"Việc thu hồi đất chắc chắn là sai pháp luật..."
Đó là ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ khi nhận định về việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng trong buổi GLTT chiều qua tại trụ sở báo Giáo dục Việt Nam.
LTS: Buổi giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã diễn ra vào chiều ngày 06/2 và kết thúc vào hồi 16h45 cùng ngày. Sau đây, chúng tôi xin trích nguyên những câu trả lời của GS. Đặng hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ TN - MT về những vấn đề quan tâm của bạn đọc trong cả nước gửi về.
Huyện muốn tự mình tạo một “kẽ hở” pháp luật để lạm quyền.
Có thông tin cho rằng vụ Đoàn Văn Vươn có liên quan tới chuyện các "quan" biết chuẩn bị có dự án đường cao tốc đi Thái Bình, mà khu vực đầm của ông Vươn nằm trọn trong dự án đó nên sẽ được hưởng số tiền đền bù khá lớn. Các bác có biết thông tin này không? Và, liệu đây có phải nguồn gốc gây ra sự việc gây bất bình dư luận thời gian qua?
GS. Đặng Hùng Võ: Có rất nhiều thông tin, có thông tin đúng, có thông tin sai. Đối với những thông tin chưa rõ ràng thì chúng ta cần phải chờ các cơ quan chức năng thẩm tra và kết luận.
Có bất cứ điều luật nào khi thu hồi đất mà Nhà nước không phải đền bù bất cứ chi phí nào cho dân như trường hợp huyện Tiên Lãng áp dụng đối với hộ ông Vươn không, thưa GS. Đặng Hùng Võ?
GS. Đặng Hùng Võ: Luật đất đai có quy định 1 số trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù về đất và không đền bù về tài sản gắn liền với đất. Pháp luật không có quy định về trường hợp thu hồi đất như đất do anh Vươn đang sử dụng, nên không có quy định về cơ chế bồi thường tương ứng. Khi thu hồi đất đã sai thì không cần tới chuyện bồi thường hay không bồi thường.
Tôi đọc báo thấy các cấp chính quyền huyện Tiên Lãng trả lời là: Căn cứ theo luật đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi luật đất đai mới ra đời ( các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không. (Bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với luật đất đai năm 1987). Giáo sư Đặng Hùng Võ có ý kiến gì về việc này?
GS. Đặng Hùng Võ: Việc giao đất ở Tiên Lãng sai so với cả luật đất đai năm 1987. Luật đất đai 1987 cũng không cho phép cấp huyện được tự quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất. Việc huyện Tiên Lãng tự có quy định riêng ban hành 6/10/1993 về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất là hoàn toàn trái pháp luật. Các quyết định giao đất và thu hồi đất căn cứ vào quy định riêng của huyện cũng trái pháp luật. Hơn nữa, quy định riêng của Tiên Lãng được ban hành sau khi văn bản luật đất đai 1993 đã được Quốc hội thông qua và trước khi luật này có hiệu lực thi hành 10 ngày để nói rằng được phép áp dụng theo luật đất đai 1987 là cách làm hoàn toàn sai trái. Huyện muốn tự mình tạo một “kẽ hở” pháp luật để lạm quyền.
Thưa các vị khách mời, các ông có kỳ vọng vào sự vào cuộc kiên quyết của thủ tướng, vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo?
GS. Đặng Hùng Võ: Mong Thủ tướng Chính phủ xử lý theo hướng thượng tôn pháp luật, đúng sai phân minh, ai sai xử sai.
Gửi bác GS. Đặng Hùng Võ, trước hết, cháu kính chúc bác năm mới thật mạnh khỏe và hạnh phúc! Theo báo chí cháu được biết các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn là trái luật, và việc huy động quân đội vào cưỡng chế có dấu hiệu vi hiến... Việc cưỡng chế này có dấu hiệu tư lợi, như vậy có thể hiểu những người tham gia vụ cưỡng chế ngày 5/1 đó là "công vụ" được không? Nếu không thì có thể coi hành vi chống lại lệnh cưỡng chế của anh em gia đình nhà ông Vươn có thể xem là "chống thi hành công vụ" được không?
GS. Đặng Hùng Võ: Đây là một câu chuyện phức tạp. Tôi chỉ có đủ thông tin để bình luận có trách nhiệm về việc thực hiện pháp luật đất đai ở huyện Tiên Lãng. Điều đúng và điều sai, tôi đã nói rất rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc xem xét tiếp tính chất “công vụ” của đội cưỡng chế, trình tự và thủ tục trong quá trình thực hiện cưỡng chế, hủy hoại tài sản khi cưỡng chế,… còn phải thêm nhiều thông tin khác nữa mới có thể nói chính xác được. Trong số thông tin cần thiết có các thông tin phải nhờ cơ quan cảnh sát điều tra làm giúp.
Thưa quý Báo Giáo Dục Việt Nam, tôi có một câu hỏi đối với cấp nhà Quản lý Nhà nước. Việc giao đất, thuê đất hiện nay của chúng ta đang có sự bất cập và dễ dãi ở mức độ cấp Huyện, Quận, Thị xã. Nếu ta quy định lại? chỉ có cấp Thành phố, Tỉnh có chức năng đại diện nhà nước giao và cho thuê đất có thời hạn ( Nông nghiệp, công nghiệp…) sẽ thuận hơn về hành chính cũng như xử lý! (Bạn đọc Đỗ Thắng):
GS. Đặng Hùng Võ: Việc phân cấp quản lý đất đai cho cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là hợp lý đối với đất nông nghiệp, có thể chưa hợp lý đối với đất phi nông nghiệp. Đối với vùng nông thôn miền núi đi lại rất khó khăn, nếu chỉ phân cấp quản lý đất đai cho cấp tỉnh thì người dân sẽ rất khó khăn khi phải đi lại thường xuyên lên tỉnh lỵ để giải quyết các thủ tục về đất đai. Đối với trường hợp đô thị thì việc tập trung quản lý đất đai ở cấp tỉnh, thành phố là phù hợp. Chắc chắn việc này sẽ được xem xét kỹ khi Quốc hội thông qua luật đất đai trong thời gian tới.
Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ CA. TP Hải Phòng trả lời truyền hình rằng: Nhà ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá và cái chính là xây dựng trái phép, chính vì vậy việc phá hay không phá không quan trọng. Các vị khách mời nghĩ thế nào về tuyên bố này?
GS. Đặng Hùng Võ: Nghị định 181/2004/NĐ-CP có quy định: đối với những trang trại nông nghiệp, người sử dụng đất có quyền làm nhà tạm để phục vụ sản xuất. Như vậy, nhà tạm của ông Vươn làm là phù hợp pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng không có quy định thu hồi đất là phải phá tài sản. Tài sản của ai cũng đều là tài sản của xã hội và chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, để những người dân thuê đất hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ đối với mảnh đất mà họ thuê, có cần thiết một cách nào đó để chuyển đến họ những thông tin cần thiết? Và nếu có thì giải pháp là gì? (saudautim9@yahoo.com.vn)
GS. Đặng Hùng Võ: Đây chính là nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã. Khi xem xét việc xin giao đất, thuê đất của dân thì cần phải phổ biến ngay về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhất là đối với đất sẽ được thuê, được giao.
Thưa GS. Đặng Hùng Võ, ông có suy nghĩ gì về việc rất nhiều người dân đã và đang phải chịu cảnh mất đất, mất mồ hôi, nước mắt như trường hợp của ông Vươn nhưng họ lại không nhiều kiến thức và hiểu biết về luật pháp như ông Vươn?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cũng biết về tình trạng bất cập đối với thực thi pháp luật đất đai ở cấp huyện và cấp xã. Nhiều trường hợp cũng làm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân khi rơi vào cảnh bị thu hồi đất. Theo tôi, hiện nay pháp luật của ta cũng cho phép người dân có khiếu kiện hành chính có thể thuê luật sư đại diện cho mình. Tất nhiên dân ta còn nghèo nên thuê luật sư cũng khó. Cách tốt nhất là chính quyền của nhân dân phải thực sự là người giúp đỡ nhân dân mới giải quyết tốt được tình trạng này.
Có một sai kép về pháp luật đất đai
Tôi có câu hỏi dưới đây muốn hỏi Giáo sư Đặng Hùng Võ. Thưa giáo sư, tôi là người theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng từ đầu đến giờ. Rất nhiều cán bộ, lãnh đạo đã về hưu hay còn đương chức, trong đó có giáo sư, đều cho rằng quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Làng là trái với pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng, đã phản bác lại ý kiến này và cho rằng “một số các cán bộ về hưu đã nhầm lẫn vụ Tiên Lãng” với lý do là đây là đất cho thuê chứ không phải là đất giao để sản xuất nông nghiệp. Trong đó ông này nêu rõ giáo sư phát ngôn không đúng “Thế mà ngày hôm qua, ông Đặng Hùng Võ lại vẫn còn từ Hà Nội không xuống dưới đây xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn như thế”. Giáo sư nói gì về ý kiến này của ông Vũ Hồng Chuân? (ductran67@gmail.com)
Tôi có câu hỏi dưới đây muốn hỏi Giáo sư Đặng Hùng Võ. Thưa giáo sư, tôi là người theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng từ đầu đến giờ. Rất nhiều cán bộ, lãnh đạo đã về hưu hay còn đương chức, trong đó có giáo sư, đều cho rằng quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Làng là trái với pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng, đã phản bác lại ý kiến này và cho rằng “một số các cán bộ về hưu đã nhầm lẫn vụ Tiên Lãng” với lý do là đây là đất cho thuê chứ không phải là đất giao để sản xuất nông nghiệp. Trong đó ông này nêu rõ giáo sư phát ngôn không đúng “Thế mà ngày hôm qua, ông Đặng Hùng Võ lại vẫn còn từ Hà Nội không xuống dưới đây xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn như thế”. Giáo sư nói gì về ý kiến này của ông Vũ Hồng Chuân? (ductran67@gmail.com)
GS. Đặng Hùng Võ: Đất mà ông Vũ Hồng Chuân nói ở trên là đất được giao theo 2 quyết định giao đất của Chủ tịch UBND huyện, chưa có văn bản nào nói rằng đất này là đất thuê. Như vậy ở đây huyện Tiên Lãng có một sai kép về pháp luật đất đai.
GS. Đặng Hùng Võ trong buổi GLTT tại trụ sở báo Giáo dục Việt Nam chiều ngày 06/2 |
Một là, đáng nhẽ phải chuyển một phần lớn diện tích sang thuê đất từ năm 1999 nhưng huyện không làm. Hai là, đến nay lại đương nhiên nói rằng đất thuê để thu hồi. Hơn nữa, nếu hiện nay có là đất thuê thì cũng không thể bị thu hồi được mà cũng phải thực hiện theo quy định của Nghị định 181 và Nghị định 69. Xin lưu ý là chính sách đất đai nông nghiệp khác hoàn toàn với chính sách đất đai phi nông nghiệp.
Thưa ông Đặng Hùng Võ, với cương vị là một người từng công tác trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, vậy theo ông, khu vực đất bị thu hồi của Đoàn Văn Vươn được coi là đất gì? Từ đó, theo ông việc tiến hành thu hồi đất này của huyện Tiên Lãng đã đúng luật hay chưa? (Nguyễn Sỹ Tá – Gia Lai)
GS. Đặng Hùng Võ: Trong 2 quyết định giao đất của UBND huyện cho ông Đoàn Văn Vươn đều ghi rõ là giao đất để nuôi trồng thủy sản. Như vậy, sau khi giao, đất đó là đất đã đưa vào sử dụng và thuộc loại đất nuôi trồng thủy sản, thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành luật đất đai, việc thu hồi đất nông nghiệp chỉ được thực hiện trong 5 trường hợp: (1) Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch (thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP); (2) Thu hồi khi không có người thừa kế; (3) Thu hồi khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại; (4) Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất; (5) Người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng ngay sau từ 12 cho tới 24 tháng tùy theo từng loại đất; không có trường hợp thu hồi đất nông nghiệp khi hết thời hạn.
Như vậy, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng chắc chắn là sai pháp luật.
Câu hỏi dành cho GS. Đặng Hùng Võ: Là một chuyên gia xử lý các vấn đề đất đai, theo ông vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn sẽ được xử lý thế nào về mặt đất đai?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng: Thứ nhất, phải làm rõ những sai phạm pháp luật trong các quy định, quyết định hành chính do UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Đây là điều chúng ta phải làm thật rõ vì từ đó mới có thể tiếp tục xem xét những vấn đề tiếp theo.
Thứ hai, cần tiếp tục xem xét việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn có những vi phạm pháp luật nào. Sau khi làm rõ 2 việc này, có thể kết luận được việc thực thi pháp luật đất đai của chính quyền địa phương và của người sử dụng đất.
Từ những rà soát việc thực thi pháp luật đất đai ở trên, có thể kết luận được mức độ sai phạm pháp luật đất đai của các bên.
Theo ông Đặng Hùng Võ, số diện tích mà ông Đoàn Văn Vươn được huyện Tiên Lãng giao có đúng luật không? Và phần đất giao thêm ấy, ông PCT Hải Phòng nói là giao bao lâu do chính quyền và người dân thỏa thuận, theo ông là đúng hay sai? Nếu là sai thì sai như thế nào?
GS. Đặng Hùng Võ: Tổng số diện tích đất nuôi trồng thủy sản được chủ tịch huyện Tiên Lãng giao cho ông Đoàn Văn Vươn là hơn 40 ha (Năm 1993 giao hơn 23ha, năm 1997 giao hơn 19 ha). Như vậy, tổng diện tích được giao vượt quá hạn mức diện tích đất bãi bồi, ven sông, ven biển theo quy định tại Quyết định 773-TTg tháng 12/1994 của Thủ tướng Chính phủ (Hạn mức cho phép từ 3-10ha đối với hộ gia đình cá nhân). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 có quy định khi vượt hạn mức diện tích thì phải chuyển sang thuê đất nhưng huyện Tiên Lãng không làm việc này ngay từ năm 1999.
Pháp luật của Việt Nam không hề quy định về cơ chế chính quyền với người dân thỏa thuận khi giao đất. Đất bãi bồi ven biển được giao ở Tiên Lãng là phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện. Vậy thì việc giao đất đó phải giao ổn định cho dân với hạn mức diện tích do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 773 nói trên.
Cách giải thích của PCT Hải Phòng là không có căn cứ pháp lý, không có quy định nào của luật pháp tương tự như vậy.
Kính thưa Giáo sư Đặng Hùng Võ: Xin giáo sư cho biết qua báo chí và các phương tiện thông tin việc cưỡng chế và phá tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là không đúng pháp luật đến nay các cơ quan chức năng vẫn không điều tra ra kẻ nào sai mà cứ đùn đẩy nhau. Cụ thể ngôi nhà cũng không biết ai phá thật là một chuyện vô lý không thể chập nhận được mong ông trả lời giúp. (Phước Trần truongphatqn@gmail.com)
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cũng thấy vô lý giống hệt như vậy! (Cười). Nhưng chắc chắn để giải quyết việc này phải có sự tham gia của cảnh sát điều tra. Hành vi phá hoại tài sản gắn liền với đất khi cưỡng chế thuộc khung pháp luật hình sự. Chúng ta quyết tâm làm thì chắc chắn sẽ tìm được ai ra lệnh phá và ai thực hiện việc phá. Tôi cho việc này cũng không khó vì lúc cưỡng chế, cũng có rất nhiều người dân chứng kiến.
Thưa ông tôi được biết ông là một trong những người có đóng góp rất lớn vào hệ thống luật đất đai, bất động sản của Việt Nam, mới đây, nhiều tớ báo có đăng tải phát biểu của ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng có nói rằng “ông Đặng Hùng Võ không biết cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn” – ý nói ông ở Hà Nội không xuống Tiên Lãng xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn? Ông có thể cho biết ý kiến của mình về lời nói của ông Vũ Hồng Chuân? (Bạn đọc Quang Minh - Thái Nguyên):
GS.Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, tôi phát biểu sau khi các nhà báo đưa cho tôi toàn bộ các tài liệu về các quyết định, các văn bản do Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Thứ hai, tình hình sử dụng các loại đất, tôi đều nắm được trong thời gian 5 năm được giao nhiệm vụ phụ trách về đất đai của cả nước.
Ở đây, cái sai phạm đầu tiên về pháp luật đất đai là Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã tự ban hành vào ngày 6/10/1993 một văn bản quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất trên địa bàn huyện. Trong hệ thống pháp luật đất đai của ta từ năm 1987 đến nay chưa bao giờ cho phép UBND cấp huyện được làm việc này.
Như vậy, quy định trên là vô hiệu. Lãnh đạo của huyện Tiên Lãng đã căn cứ vào một văn bản trái pháp luật của mình để chứng minh các quyết định tiếp theo là đúng pháp luật. Điều này không cần xuống Tiên Lãng cũng biết. Như vậy, vụ việc này sai từ gốc của vấn đề áp dụng pháp luật đất đai.
Tất nhiên, lời nói của ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng là không phù hợp.
Ông chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đã giải thích rằng: Theo quy định luật đất đai năm 2003 thì khu đầm nuôi tôm của ông Vươn bị thu hồi lại rồi cho thuê. Lý giải của ông Chánh văn phòng này có đúng không, thưa ông?
GS.Đặng Hùng Võ: Lý giải này hoàn toàn không đúng, vì pháp luật đất đai không có quy định về việc thu hồi đất rồi mới chuyển sang cho thuê. Việc chuyển từ đất được giao sang đất thuê chỉ cần làm thủ tục mà không được thực hiện thu hồi đất. Việc chuyển từ đất được giao sang đất thuê hoàn toàn là những thủ tục địa chính thông thường. Như vậy, cách giải thích của chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng hoàn toàn mang tính bao biện và không đúng pháp luật.
Thưa GS. Đặng Hùng Võ, theo ông, qua vụ cưỡng chế Tiên Lãng, Hải Phòng, Luật đất đai của ta cần sửa điều gì cho chặt chẽ hơn không? (Bình Nguyên, Thái Bình)
GS.Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Theo quy định của Nghị định 181, không có việc thu hồi đất nông nghiệp đã được giao mà hết thời hạn sử dụng.
Nhưng một mặt khác, nhìn tổng quát hơn thì hiện nay, pháp luật đất đai của chúng ta đang cho phép các cơ quan Nhà nước có quyền quá lớn về việc thu hồi đất. Đây là một cơ chế hành chính thu hồi đất của người này và lại giao cho người khác, nếu áp dụng không đúng sẽ dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền và dễ gắn với tư lợi. Tôi cho rằng trong luật đất đai sắp tới được Quốc hội thông qua sẽ có những đổi mới hơn nữa đối với các quy định về cơ chế nhà nước thu hồi đất và việc thực hiện cơ chế đó trên thực tế.
Thưa GS.Đặng Hùng Võ, ông đã từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, xin ông cho biết dưới góc nhìn của ông thì Bộ này sẽ vào tham gia làm rõ những khía cạnh nào trong vụ cưỡng chế Tiên Lãng? (Nguyễn Hải Bình, Petrolimex, Hà Nội)
GS.Đặng Hùng Võ: Bộ TN – MT có chức năng quản lý đất đai, vì vậy, trách nhiệm đầu tiên là xem xét tính pháp lý của các quyết định về giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất do UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Và đây chính là các áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp tới vụ việc vừa xảy ra tại huyện Tiên Lãng.
Theo Giáo dục Việt Nam
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo