"Việt Nam đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho Biển Đông"
Dù Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam về đảo Hải Nam song "trò chơi được mất" của ông Tập Cận Bình đã gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ lâu dài giữa hai nước.
Tạp chí Eurasia Review đã cho đăng tải bài phân tích - bình luận của ông Đỗ Thanh Hải, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học quốc gia Australia về những biến chuyển trong mối quan hệ Việt - Trung sau sự kiện Bắc Kinh trái phép kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào Biển Đông.
Xây dựng mối quan hệ bền vững
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ ngoại giao trên 2 cơ sở.
Thứ nhất, các cuộc đối thoại thường xuyên giữa chính phủ hai nước được tổ chức nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác, xử lý tình huống bất ngờ và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán.
Thông qua các cuộc họp này, Hà Nội muốn khẳng định chắc chắn lời cam kết của Bắc Kinh về việc không đe dọa và không sử dụng vũ lực để giải quyết "những bất đồng lịch sử" mà cụ thể là các tranh chấp liên quan tới chủ quyền lãnh thổ. Đổi lại, Việt Nam cam kết theo đuổi chính sách chiến lược không liên kết.
Thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia xây dựng các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu, nhằm đề ra những biện pháp xây dựng niềm tin và tránh hiểu nhầm ngoại giao.
Trên cơ sở đó, niềm tin và tình hợp tác giữa hai nước đã gia tăng một cách ổn định. Những tranh chấp về ranh giới biên giới đường bộ và các đường ranh giới trên vịnh Bắc Bộ cũng lần lượt được hai nước giải quyết vào năm 1999 và 2000. Song, đôi khi, quan hệ giữa hai nước vẫn rơi vào vòng xoáy căng thẳng xung quanh những bất đồng trên Biển Đông song nó không thể ảnh hưởng tới toàn bộ mối quan hệ Việt – Trung.
Theo đó, ASEAN và Trung Quốc đã cùng ký kết "Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) nhằm kêu gọi các nước liên quan theo đuổi giải pháp hòa bình để xử lý và giải quyết những tranh chấp tại vùng biển chiến lược này. Trong thời gian tới, Trung Quốc và ASEAN được kỳ vọng đi tới ký kết bộ "Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC).
"Cuộc chơi được mất" trên Biển Đông của Trung Quốc
Kể từ giữa những năm 2000, Hà Nội đã tiên lượng được sự hung hăng gia tăng của Trung Quốc trong cuộc chiến đơn phương giành chủ quyền trên Biển Đông.
Vào năm 2006 – 2007, Trung Quốc đã de dọa không cho các công ty dầu khí quốc tế hợp tác với Tập đoàn dầu khí PetroVietnam trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng thời điểm này, các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã nhiều lần hung hăng thể hiện yêu sách khi mở rộng hải phận tới bãi cạn James.
Hồi tháng 5/2009, Bắc Kinh đã thách thức cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) khi đơn phương công bố tấm "bản đồ đường chín đoạn" gây tranh cãi. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục thay đổi hiện trạng trên bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây.
Chưa dừng lại, đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo quan điểm của Việt Nam, đây là hành động "có tình tạo sự đã rồi" và đi ngược với những cam kết được giới lãnh đạo cấp cao giữa hai nước thỏa thuận. Ngay cả, sự tự do hàng hải trên Biển Đông cũng bị thay đổi khi Trung Quốc ngang nhiên cấm các tàu thuyền hoạt động gần Hải Dương-981 và luôn giữ khoảng cách trong bán kính hơn 10 hải lý.
Nguy hiểm hơn, Trung Quốc còn điều động một lượng lớn tàu thuyền tới hỗ trợ hoạt động trái phép của Hải Dương-981 và sử dụng vũ lực như cố tình đâm va, phun vào rồng, hú còi nhằm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam thậm chí đánh chìm một tàu cá Việt Nam.
Việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã cho thấy 3 thực tế mà Hà Nội cần phải cân nhắc thận trọng.
Thứ nhất, sự xuất hiện của Hải Dương-981 hoàn toàn có chủ ý, được chuẩn bị kỹ lưỡng và lên kế hoạch bởi nó diễn ra chỉ sau 6 tháng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thực hiện chuyến thăm tới Hà Nội.
Thứ hai, động thái đưa giàn khoan Hải Dương-981 ra Biển Đông đã được lên kế hoạch quy mô tập trung và chỉ đạo thống nhất xuất phát từ sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành cấp cao của Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc đã lách luật lệnh cấm sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Thay vì sử dụng các tàu thuyền của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đã điều động các tàu dân sự để tấn công tàu nước ngoài trên Biển Đông.
Phản ứng kiềm chế của Việt Nam
Ngay từ đầu, Việt Nam đã theo đuổi giải pháp đàm phán hòa bình để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán với Trung Quốc đã thất bại và Bắc Kinh vẫn không có phản ứng phù hợp. Ngay cả 4 đường dây nóng giữa Hà Nội và Bắc Kinh cũng không phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội cho thấy Việt Nam cần tìm ra cách phản ứng khác, phù hợp hơn với thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Ngay trước chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo đưa giàn khoan Nam Hải-9 tới gần cửa Vịnh Bắc Bộ - khu vực mà hai bên đang tiến hành đàm phán, phân định.
Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc họp báo tại Hà Nội để đưa ra các bằng chứng nhằm chứng minh hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Cả ASEAN, G7 và hàng chục quốc gia đều thể hiện mối quan ngại về động thái của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Australia khẳng định hành động đơn phương của Trung Quốc chỉ "gây bất ổn và vô ích". Tại Đối thoại Shangri-La gần đây, các quan chức Trung Quốc đã đối mặt với không ít lời chỉ trích và câu hỏi khó của giới lãnh đạo các nước.
Tiếp đó, Việt Nam đưa vấn đề trên ra thảo luận trong các cuộc hội thảo ASEAN. Tuy nhiên, sự đồng lòng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong khối ASEAN lại khá lỏng lẻo. Không nản lòng, Việt Nam còn đưa những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông lên Liên Hợp Quốc.
Ngay cả trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, Hà Nội vẫn luôn thường trực mối lo về một ngày không xa, Bắc Kinh sẽ lại đưa Hải Dương-981 trở lại. Dường như không ai tin rằng Trung Quốc kéo giàn khoan về đảo Hải Nam chỉ vì Việt Nam phản đối hành động này.
Dòng chảy ngầm tại Việt Nam
Chính sự hung hăng gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc đã buộc Việt Nam thay đổi chính sách chiến lược.
Trước hết, Việt Nam nhận thức được rằng Trung Quốc đang là nhân tố ngày càng nhiều bất ổn nếu không muốn nói là một mối đe dọa. Rõ ràng, Trung Quốc không lắng nghe thông điệp về "niềm tin chiến lược" được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong Đối thoại Shangri-La năm 2013. Niềm tin của Việt Nam với Trung Quốc cũng đang xuống dốc trước những hành động đơn phương và hung hăng của quốc gia láng giềng phương Bắc.
Những tuyên bố mạnh mẽ gần đây của quan chức Việt Nam như "sử dụng mọi biện pháp cần thiết", "bảo vệ quyền phòng vệ", và "không bao giờ đánh đổi chủ quyền vì thứ hữu nghị viển vông", cho thấy Việt Nam đang mất dần sự kiên nhẫn trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, lo ngại trước tình hình căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang hoặc phá vỡ mối quan hệ Việt – Trung lâu nay, Hà Nội đã cẩn trọng cân nhắc từng động thái phản ứng và chờ hành động của Trung Quốc sau ngày 15/8. Như các quan chức Việt Nam tuyên bố Hà Nội sẵn sàng theo đuổi vụ kiện Trung Quốc nhưng sẽ chờ tới thời điểm thích hợp. Rõ ràng, Việt Nam sẽ không tung ra đòn pháp lý cho tới khi công tác đề phòng mối quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc sụp đổ, được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vùng đặc quyền kinh tế dọc bờ biển Việt Nam không chỉ là khu vực giàu tài nguyên kinh tế mà còn là vùng an ninh quan trọng. Do đó, Việt Nam cần duy trì công tác bảo đảm an ninh bờ biển cũng như ngăn cản Trung Quốc đưa giàn khoan dầu quay trở lại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn với Việt Nam, Hà Nội không còn cách nào khác là xem xét lại chính sách chiến lược của mình.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang khẩn trương cử các quan chức cấp cao tới Washington tiến hành đàm phán với phía Mỹ để gỡ bỏ lệnh cấm vận và nhập khẩu các loại vũ khí sát thương nhằm tăng khả năng phòng thủ.
Trên thực tế, lịch sử đã chứng minh hai nhận định. Thứ nhất, Việt Nam không bao giờ quỳ gối trước bất cứ quốc gia nào. Thứ hai, tình bạn lâu năm sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu niềm tin không còn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo từ nguồn tin Eurasia Review. Đây là một Tạp chí và Viện Nghiên cứu độc lập, cung cấp các bài phân tích của các chuyên gia về các vấn đề chính trị, kinh tế của khu vực châu Á và châu Âu.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Cột tin quảng cáo