1,1 tỷ Đô và tham vọng "độc chiếm" sông Hồng: Chuyên gia nói gì?
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét thông quan chủ trương cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành).
Theo đề xuất xây dựng tuyến đường thủy xuyên Á từ biên giới Trung Quốc của Công ty TNHH Xuân Thiện, con đường giao thông thuỷ này kéo dài 288 km về phía hạ lưu. Để đảm báo hiệu quả, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện với sản lượng dự kiến đạt 912 triệu kWh/năm và 7 cảng sông.
Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Ngay khi thông tin siêu dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà hoạt động ngành môi trường đã cảnh báo hệ lụy tác động đến môi sinh, môi trường.
Trả lời trên báo Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Công ty Xuân Thiện đề xuất Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) là “không ổn”.
Theo đó, dự án này bỏ tiền đầu tư, sau đó được kinh doanh và sở hữu cả dòng sông vô thời hạn, không chuyển giao lại cho nhà nước. “Một con sông lớn, tác động tới hàng chục triệu người, không thể có chuyện nhà nước lại giao cho một công ty để vận hành và khai thác mãi. Vậy lợi ích đất nước ở đâu?”, ông Doanh nói.
Về năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo ông Doanh, nếu dự án được duyệt nhà đầu tư phải đi vay tới 70% số vốn từ ngân hàng, lãi suất từ 4-9%/năm. “Nếu lãi suất 4%/năm thì 20 năm đã là vấn đề, còn 9%/năm thì 20 là đại vấn đề. Họ tính thu lại bằng thu phí và bán điện, nhưng giá bán điện dự tính cao hơn nhiều giá điện hiện nay. Do đó, phương án tài chính ra sao cũng là câu hỏi lớn”, ông Doanh nói.
Do đó, ông Doanh đề xuất phải có hội đồng thẩm định độc lập về dự án này, thậm chí mời chuyên gia quốc tế tham gia, không nên xem nhẹ. Ông Doanh dẫn những vụ việc như Công ty Vedan xả thải, cùng nhiều dự án khác và xem đó như hậu quả của việc dễ dãi trong xét duyệt những dự án lớn, gánh hậu quả khi việc đã rồi. “Đây là dự án lớn, tác động nhiều nên phải hết sức thận trọng”, ông Doanh nói.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, dự án kết nối sông Hồng với hệ thống đường thủy của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cần phải xem xét. Khi đường thủy thuận lợi chạy thẳng vào nội địa Việt Nam, việc kiểm soát hàng hóa nhập lậu thế nào cũng rất đáng lo ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước