Tin tức - Sự kiện

1/7: Ra mắt Hội đồng Tiền lương quốc gia

Hội đồng có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ; xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ.

(hnmo) Hội đồng quyết định lương tối thiểu vùng

Hội đồng tiền lương quốc gia có 15 thành viên, bao gồm: 05 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 05 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và hai hiệp hội ngành nghề ở Trung ương có sử dụng nhiều lao động).

Hội đồng có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ; đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, mức tiền lương trên thị trường lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp để xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ.

Đồng thời, Hội đồng nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng đối với một số nghề, công việc không thường xuyên hoặc làm việc không trọn thời gian; tổ chức rà soát, đánh giá việc phân địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung… Theo đó, từ năm 2014, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho doanh nghiệp sẽ do Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất với Chính phủ, thay vì Bộ LĐ-TB&XH như từ trước đến nay.

Một vấn đề cũng được sửa đổi trong lần này là cơ chế tính lương của các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước sẽ thực hiện theo Nghị định 50/2013/NĐ-CP, tức là các đơn vị trên sẽ không áp dụng thang bảng lương do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng mà do các công ty tự xây dựng. Tuy vậy mức lương phải bảo đảm tăng theo năng suất lao động và lợi nhuận, nếu cả hai yếu tố trên cùng giảm thì lương cũng phải giảm theo. Nếu công ty làm ăn thua lỗ, lương của NLĐ sẽ được tính bình quân theo hợp đồng lao động. Cụ thể là sẽ bằng lương tối thiểu chung nhân với hệ số cấp bậc.

Bảo đảm lợi ích của người lao động

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: "Các thành viên Hội đồng sẽ tổ chức lấy ý kiến hội viên trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của giới để đàm phán tới khi chốt được một phương án trên cơ sở thỏa thuận được về lợi ích chung thì trình Chính phủ. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Hội đồng sẽ đàm phán về mức tăng lương mới cho năm 2014, có thể đưa ra mức tăng dự kiến để các bên đàm phán. Ví dụ, đại diện giới chủ đưa ra ý kiến nếu lương tăng cao quá, doanh nghiệp không chịu được áp lực thì họ sẽ phải đưa ra các số liệu để chứng minh khả năng chịu đựng của mình đến đâu, các tác động thế nào. Đại diện NLĐ muốn tăng lương cao hơn nữa cũng phải chứng minh được lý do tăng. Cơ quan quản lý nhà nước đứng giữa để phân tích các tác động, sau đó ba bên cùng chọn một giải pháp phù hợp nhất".

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, đây là cách làm mới, giúp cho việc đề ra mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp sẽ công khai, minh bạch hơn.

Liên quan tới vấn đề trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng lương vẫn cao, bà Minh cho rằng một số tập đoàn mang trọng trách bình ổn thị trường, như Tập đoàn Điện lực (EVN), phải giảm giá điện theo yêu cầu của Chính phủ, nên được loại trừ yếu tố này và mức lương vẫn tính bình thường theo thang lương.

 

 

Bảo Bảo

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo