Xã hội

10 sự kiện nổi bật trong năm 2015

(DNVN) - Hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, Việt Nam gia nhập cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính… là những sự kiện nổi bật được bạn đọc Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất trong năm 2015.

Hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP

Sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng, đàm phán TPP đã kết thúc vào ngày 5/10 tại Atlanta, Hoa Kỳ. Để tiến tới ký kết TPP, thì tùy thuộc từng nước thành viên sẽ có những quy trình thủ tục khác nhau.

TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam

Sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày.

Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức.

Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.

Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Theo đó, vào ngày 22/11, các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã bắt đầu Lễ ký kết 2 văn kiện lịch sử: Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc hình thành Cộng đồng ASEAN, Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng vững vàng tiến bước.

Với chủ đề "Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta," một ASEAN hội nhập sẽ mang lại mức sống cao hơn và tiến bộ xã hội nhanh hơn cho người dân ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố  Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN.

Với chủ đề "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước," Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là một văn kiện về lộ trình phát triển của ASEAN trong thập kỷ tới, định hướng và tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong giai đoạn 2016-2025.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

 

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 tới đây như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.

 Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

 

Nghị định này thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014.

Quảng Nam bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi

Ngày 23/9, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Năm nay 30 tuổi, sau khi nhậm chức, ông Bảo trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trẻ nhất nước.

Ông Bảo là con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, năm 2010 đến 2012, ông Bảo được cử đi học thạc sĩ, chuyên ngành quản trị tài chính tại Mỹ.

Sau khi về nước, năm 2012 ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Tháng 3/2014, ông Bảo được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình.

 

Tháng 4/2015, ông Lê Phước Thanh phê duyệt quyết định, điều động sớm ông Bảo về làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Phước Hoài Bão (giữa), khi còn làm Phó chủ tịch huyện Thăng Bình. Ảnh: Công đoàn Quảng Nam.
Ông Lê Phước Hoài Bão (giữa), khi còn làm Phó chủ tịch huyện Thăng Bình. Ảnh: Công đoàn Quảng Nam.

Ông Huỳnh Văn Nén được minh oan sau gần hai thập kỷ ngồi tù oan

Sáng 28/11 đại diện cơ quan tố tụng đã đến nơi cư trú của ông Huỳnh Văn Nén công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nén trong vụ án bà Lê Thị Bông bị sát hại.

Trong vụ án bà Lê Thị Bông, ông Nén bị xác định là thủ phạm và bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án tù chung thân về 2 tội danh “giết người” và “cướp tài sản“.

Sau nhiều năm được gia đình, người thân và các luật sư giúp đỡ kiên trì gởi đơn lên các cấp kêu oan, chiều ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại. Tính đến ngày được tại ngoại, ông Nén đã phải ở tù 17 năm 5 tháng (1998-2015) và được cho là người tù “2 thế kỷ".

 

Sáng 3/12, tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân - Bình Thuận), TAND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Huỳnh Văn Nén được minh oan sau 17 năm 5 tháng ngồi tù oan
Ông Huỳnh Văn Nén được minh oan sau 17 năm 5 tháng ngồi tù oan.

Việt Nam thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

Quyền chuyển đổi giới tính được hợp thức hóa trong Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính được xem là một bước tiến quan trọng giúp cộng đồng có nhận thức đúng đắn hơn về người đồng tính, song tính và người chuyển giới.

Trước khi Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua, theo một thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Nghĩa là hình dáng bên ngoài là nam nhưng trong suy nghĩ của họ lại là nữ và ngược lại. Việt Nam không cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính, nên đến nay có khoảng 500 -1.000 người đã ra ngước ngoài chuyển đổi giới tính và về sống ở Việt Nam.

 

Từ 1/72016, thu hồi điện thoại, máy tính bảng hết hạn sử dụng

Ngày 22/05/2015, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, có hiệu lực thi hành từ 15/7.

Theo đó, từ ngày 1/7/2016 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính (để bàn, xách tay), màn hình máy vi tính, CPU máy tính, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di động, máy tính bảng...

Với phương tiện giao thông là môtô, xe máy các loại, ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1-1-2018.

Quyết định nêu rõ nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ...

 

Giấy phép lái xe bằng giấy phải được chuyển sang vật liệu PET

Từ 1/1/2016 Thông tư Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 58/2015/TT-BGTVT. Theo quy định tại Điều 57 Thông tư 58/2015/TT-BGTVT thì lộ trình chuyển đổi sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET như sau:

- Giấy phép lái xe hạng A4 và giấy phép lái xe ô tô tất cả các hạng phải đổi trước 31/12/2016.

- Giấy phép lái xe hạng A1, A2,A3 (không thời hạn) phải đổi trước 31/12/2020.

Sau 6 tháng kể từ thời hạn trên nếu không đổi giấy phép lái xe sang vật liệu mới thì phải thi sát hạch lại lý thuyết.

 

Kéo dài độ tuổi nhập ngũ lên 27 tuổi

Chiều 19/6, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý thông qua Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.

Báo cáo tiếp thu giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho rằng việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hiến pháp, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập theo quy định hiện hành.

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định: “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này”.

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Điều 30 của Luật nêu, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 25. Với sinh viên cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27. Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời bình, nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng.

 

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Xử phạt xe không chính chủ từ ngày 1/1/2015

Nghị định 171/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mức phạt mới áp dụng từ đầu năm 2014. Thay đổi lớn nhất trong Nghị định mới liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ là lùi thời hạn xử phạt với nội dung này và áp dụng với ôtô từ 1-1-2015 và môtô, xe máy từ 1-1-2017. 

Mức phạt với hành vi này cũng được thay đổi, thấp hơn Nghị định 71. Theo đó, chủ ôtô khi mua, được tặng cho, được thừa kế… (không chính chủ) sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức, tương tự, mức phạt cho việc không sang tên, đổi chủ, xe máy là 100.000 - 200.000 đồng và 200.000- 400.000 đồng.

Người đi xe máy đội các loại mũ bảo hiểm khác (mũ cho người đi xe đạp hoặc mũ bảo hộ lao động) hoặc không đội, đội không đúng quy cách sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

 

An Nhi (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo