11 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2014
Quy định mức phí bán đấu giá cổ phần và chứng khoán; điều kiện nhập khẩu ô tô Việt kiều hồi hương; quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam... là các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2014.
1. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
Khi phát hiện hành vi vi phạm về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đơn vị quản lý phải yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm. Đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp được quy định tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi phạm, báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó.
Đơn vị quản lý vận hành cũng phải kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện đúng thời hạn quy định; không vận hành quá tải đối với đường dây phía trên nhà ở, công trình xây dựng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2014.
2. Chuẩn hóa giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh
Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2014, trong đó quy định trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.
Cụ thể, giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh phải có một trong các trình độ chuẩn: 1- Có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh; 2- Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; 3- Có văn bằng 2 về chuyên ngành đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh.
Giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh phải có một trong các trình độ chuẩn: 1- Có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh trở lên; 2- Cán bộ quân đội, công an có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; 3- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
3. Mức phí bán đấu giá cổ phần và chứng khoán
Từ ngày 1/4/2014, mức thu và sử dụng phí bán đấu giá cổ phần và các loại chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Thông tư 09/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư quy định, mức thu phí bán đấu giá chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán là 0,3% trên tổng giá trị cổ phần/mỗi loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa là 300 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần/mỗi loại chứng khoán.
Giá trị cổ phần, chứng khoán bán được dùng để tính mức thu phí cho một cuộc đấu giá bao gồm cả giá trị bán được qua phương thức thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá (trong trường hợp bán thỏa thuận tiếp số cổ phần, chứng khoán không bán hết từ cuộc đấu giá).
Mức thu phí bán đấu giá chứng khoán áp dụng tại các tổ chức được phép tổ chức bán đấu giá cổ phần theo quy định của pháp luật do các bên tự thỏa thuận nhưng mức thu không vượt quá 0,3% trên tổng giá trị cổ phần và các loại chứng khoán thực tế bán được.
Mức thu phí bán đấu giá chứng khoán tối thiểu áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và các tổ chức được phép tổ chức bán đấu giá cổ phần và các loại chứng khoán theo quy định là 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần/mỗi loại chứng khoán.
4. Nhiều hỗ trợ với các cụm công nghiệp
Theo Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, trong hoạt động khuyến công quốc gia, chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1.500 triệu đồng/cụm công nghiệp.
Chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp.
Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; bao gồm: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 3.000 triệu đồng/cụm công nghiệp… Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2014.
5. Quy định mức phí ủy thác tư pháp về dân sự
Từ ngày 1/4/2014, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự được thực hiện theo Thông tư 18/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự mà làm phát sinh thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam thì phải nộp phí thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự theo quy định khi nộp hồ sơ yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.
Thông tư quy định rõ mức thu phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự. Theo đó, phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài 150.000 đồng/hồ sơ. Phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam 1.000.000 đồng/hồ sơ.
6. Ưu tiên mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước
Theo Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chủ trì đầu tư, mua sắm khi sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước để đầu tư, mua sắm, thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phải ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ trong nước đáp ứng các tiêu chí trên.
Trường hợp do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án, Chủ đầu tư không đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước trong Danh mục quy định thì phải lập hồ sơ giải trình và thực hiện theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08/4/2014.
7. Điều kiện nhập khẩu ô tô Việt kiều hồi hương
Theo Thông tư 20/2014/TT-BTC quy định việc nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam, xe ô tô nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển phải đảm bảo điều kiện đã đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) ít nhất là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.
Xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2014.
8. Phải trang bị phương tiện bảo vệ cho người lao động độc hại, nguy hiểm
Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại có hiệu lực từ ngày 15/4/2014.
Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm: Các phương tiện bảo vệ đầu; mắt, mặt; thính giác; cơ quan hô hấp; tay, chân; thân thể; phương tiện chống ngã cao; chống điện giật, điện từ trường; chống chết đuối và các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.
Người lao động trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại sau thì được trang bị phương tiện bảo vệ các nhân: 1- Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu; 2- Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại; 3- Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu; 4- Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.
9. Quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, được thực hiện từ 11/4/2014.
Quy chế này quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm: học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp; sinh viên cao đẳng, đại học; học viên chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh; học viên chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ; thực tập sinh.
Theo đó, lưu học sinh (LHS) phải đáp ứng các điều kiện về học vấn, chuyên môn, sức khỏe, độ tuổi, hồ sơ.
Cụ thể, LHS vào học chương trình trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định với từng cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo...
Bên cạnh đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, LHS thỏa mãn các điều kiện về tuổi đối với LHS Hiệp định thực hiện theo các Hiệp định, Thỏa thuận của Việt Nam ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không hạn chế tuổi đối với LHS học bổng khác và LHS tự túc.
10. Từ 8/4, thống nhất một cách tính diện tích căn hộ theo kích thước thông thủy
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Cụ thể, diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
11. Nộp phạt xây dựng sai phép, không phép
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD trong đó hướng dẫn xác định giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt, có hiệu lực thi hành từ 2/4/2014.
Theo Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đối với một số hành vi vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng, mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Thông tư 02 của Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cụ thể nội dung này của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Theo đó, các quy định trên chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo