Tin tức - Sự kiện

12.000 hộ dân thủ đô sống thấp thỏm vì không có sổ đỏ

Nhiều năm nay, hơn chục nghìn hộ dân ở Hà Nội sống trong cảnh thấp thỏm vì không được xây mới, cải tạo nhà cũ nát. Nguyên nhân bởi họ ở nhà thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa được thành phố tiếp nhận và cấp sổ đỏ .

Được cấp đất và sử dụng ổn định từ gần 20 năm nay, song 12 hộ gia đình ở khu tập thể Đội xe 306, Công ty Vận tải ôtô số 3 (xã Đại Mỗ, Từ Liêm) vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Anh Vũ Tuấn Anh, người mua lại một lô đất tại đây cho biết, không có sổ đỏ nên 40 m2 đất nhà anh gần như không có giá trị. Các hộ dân làm gì "cũng phải lén lút như kẻ trộm". Dù đi cầu cạnh khắp nơi để làm "sổ đỏ" nhưng sau nhiều năm mọi việc vẫn "không biến chuyển".

 

Theo anh, người dân lên Ủy ban nhân dân xã được hướng dẫn phải có hồ sơ của Công ty Vận tải ôtô số 3 trình Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có cơ sở xem xét. Tuy nhiên, nhiều năm qua công ty vẫn làm ngơ.

 

Căn nhà chưa có sổ đỏ của anh Vũ Tuấn Anh

 

Năm 2003, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Lê Quý Đôn đã có văn bản yêu cầu "Công ty vận tải ôtô số 3 trình Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận đối với 1.438 m2 đất của 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trước 30/6/2003". Song, công ty chưa trình văn bản tới Ủy ban nhân dân huyện khiến 12 hộ dân không được cấp phép xây dựng, không được cải tạo nhà ở và vô số bất tiện khác.

 

Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Mỗ, địa phương biết về sự khổ cực, bức xúc của người dân ở khu tập thể Đội xe 306 song, nếu Công ty vận tải ôtô số 3 không trình văn bản thì xã, huyện chịu không làm được.

 

"Nhu cầu sửa chữa nhà của dân rất bức xúc. Nhà sập sệ, dột nát thì phải cải tạo chứ để như thế có khi còn nguy hiểm tính mạng. Nhưng nếu dân hỏi xã cấp phép xây dựng thì không được vì đất chưa có 'sổ đỏ'", ông Hùng nói và cho biết thêm, địa phương đã thúc giục song công ty này vẫn chưa hồi âm.

 

Trong khi đó, tại khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), dù sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng giấy tờ, sổ sách liên quan đến căn hộ gần như không có gì. Bà Phạm Thị Đạm Nga được Công ty Thực phẩm Tông Đản (nay đã giải thể) phân căn phòng 37, nhà B7 từ năm 1967. Sống ở đây ngót 50 năm nhưng bà không có giấy tờ gì chứng minh căn phòng là của mình. Nhiều người chuyển nhượng quyền sử dụng đều phải làm "chui".

 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng hợp chưa đầy đủ từ các quận huyện cho thấy, hơn 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của thành phố. Vì thế, chưa có cơ sở để thành phố tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận.

 

Sở Xây dựng đánh giá, quỹ nhà này do không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay (do cơ quan đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa...) nên coi như bị mất gốc. Toàn bộ hồ sơ nhà đất đã bị thất lạc.

 

Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó xét cấp giấy chứng nhận. Các dạng nhà này thuộc huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 trường hợp), tiếp đó là Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm, Cầu Giấy.

 

Dù Ủy ban nhân dân Hà Nội liên tục thúc các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân tuy nhiên, nhiều gia đình sống trong các khu nhà đất tự quản (được công ty phân đất) vẫn chật vật cũng không làm được. Việc giải quyết giấy tờ cho các hộ dân này nhiều năm nay gần như dẫm chân tại chỗ.

 

 

 

Theo VnExpress

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo