20 nghìn đồng và nghìn năm văn hiến
Đây là một chuyện buồn. Rất buồn! Nó xảy ra ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngay trước giờ diễn ra buổi lễ trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư và Phó Giáo sư. Toàn bộ bạn bè, người thân mang hoa tới chúc mừng các tân Giáo sư, Phó giáo sư bị nhân viên và bảo vệ của di tích chặn lại hỏi vé. Ai có vé được qua cửa, còn không thì bị xua ngược ra ngoài.
Nhiều tiếng xì xào kèm những ánh mắt khó chịu của các vị khách đang cầm trên tay những bó hoa bị nhân viên xua ra ngoài mua vé. Có người bảo, "coi như đánh rơi 20 nghìn".
Không phải tiếc 20 nghìn đồng, nhưng mọi người đều cảm thấy bị xúc phạm khi người ta lợi dụng một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước để bán vé, kiếm chác ở một nơi linh thiêng.
Một người phụ nữ đứng tuổi cũng đang công tác ở một cơ quan nghiên cứu về văn hóa hỏi lớn: Sao Văn Miếu làm ăn buồn cười thế? Nhưng không một tiếng trả lời, nhân viên và bảo vệ của Văn Miếu coi như không nghe thấy ai hỏi. Họ tiếp tục thu tiền, rồi xé vé. Nếu bị hỏi dồn, nhân viên gác cổng sẽ vặc lại: “Giấy mời đâu? Không có giấy mời thì ra mua vé”.
Nhìn cảnh tượng cả đoàn người thân của các Giáo sư, Phó Giáo sư rồng rắn xếp hàng mua vé để được bước qua cổng Văn Miếu – chỉ để tặng hoa (chứ không phải vào thăm di tích) chẳng khác gì một "trò lố". Nhưng không biết đây là sơ suất của ban tổ chức buổi lễ hay chủ ý của ban quản lý di tích Văn Miếu? Dù có phải chủ ý hay không đi chăng nữa thì đây cũng là một lối hành xử vô văn hóa bậc nhất ở đất kinh kỳ từ xưa tới nay. Buồn thay nó lại xảy ra ở chính nơi gìn giữ văn hóa - nơi được coi biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc từ hàng nghìn đời nay.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn nổi tiếng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam – đã ra đời từ gần một nghìn năm trước, trong phút chốc bị biến thành “cái chợ” để làm trò “cưa đứt đục suốt”. Và nếu có ai đó nghi ngờ nhiều sự kiện từng tổ chức ở Văn Miếu đã bị lợi dụng để bán vé thì cũng là điều dễ hiểu.
Kiểu làm ăn chụp giựt này có lẽ sẽ giúp cho Ban Quản lý di tích Văn Miếu có thêm vài chục triệu bổ sung vào bản báo cáo đẹp về thành tích “kinh doanh văn hóa”, mà nhờ đó có đóng góp vào “ngân sách Thủ đô” một khoản đáng kể nào đấy. Nhưng nhìn ở góc độ khác, lối hành xử ấy chẳng khác gì một cái tát giáng thẳng vào ngành văn hóa Thủ đô.
Rồi đây, ông trưởng ban quản lý di tích Văn Miếu sẽ trả lời thế nào với 571 tân Giáo sư, Phó Giáo sư? Tôi đồ rằng, câu trả lời sẽ là: “Rất tiếc là nhân viên không phân biệt được khách tham quan hay người thân vào tặng hoa các Giáo sư, Phó Giáo sư”; hoặc “Đó là do sơ suất trong khâu tổ chức, do nhân viên và bảo vệ không phân biệt được người thân tới tặng hoa chúc mừng các tân giáo sư và phó giáo sư – xin được rút kinh nghiệm”…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển