2013: Tái cấu trúc toàn diện
Năm mới 2013 đã đến với những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước, dân tộc cũng như tất cả chúng ta. Nhận thức đúng tình hình, có quyết sách phù hợp sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn và nắm bắt được cơ hội. Nếu không, tình hình sẽ còn phức tạp hơn.
Tác động từ bên ngoài
Tất cả các dự báo về năm 2013 đều thống nhất là kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm và nhiều rủi ro. Khu vực đồng euro vốn được coi là mô hình hội nhập thành công cũng đang phải chịu những ca phẫu thuật đau đớn để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục lan rộng từ Hy Lạp sang Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha...
Dự báo kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng bằng không (0%), thậm chí tăng trưởng âm. Các chính phủ cắt giảm chi tiêu ngân sách, đặc biệt là cắt giảm phúc lợi xã hội, tăng thuế, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Khu vực Đông Á vốn được coi là đầu tàu tăng trưởng của thế giới cũng sẽ tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng dưới 8%, thấp hơn nhiều so với mức 10%-11%/năm trước đây. Kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong một thập kỷ tăng trưởng thấp. Chính phủ mới ở Hàn Quốc cũng sẽ phải có nhiều nỗ lực để vực dậy nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại rất nhiều trong năm 2012. Những điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nước ta.
Trong khi đó, các nỗ lực lập ra những khu vực thương mại tự do mới quy mô rất lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay RCEP (Regional Comprehensive Partnership) bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã bắt đầu khởi động cũng sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức mới.
Tình hình đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta qua các kênh xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Nhiều khó khăn nội tại
Ở trong nước, 2012 là năm đã đạt được một số tiến bộ đáng ghi nhận trong giảm lạm phát, bình ổn tỉ giá, tăng xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại tệ.
Tuy nhiên, tăng trưởng chỉ đạt 5,03%, thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Nghiêm trọng hơn, trong năm 2012 cũng đã bộc lộ hàng loạt yếu kém được tích tụ từ lâu trong nền kinh tế, làm cho nền kinh tế không chỉ tăng trưởng thấp mà còn phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong những năm tới.
Một là, nợ xấu và hàng tồn kho đều tăng cao dẫn đến đóng băng tín dụng. Thu hút tiền gửi tăng 15% nhưng tín dụng chỉ tăng 7%, thấp hơn rất nhiều so với mức 31% trong năm 2010 hay 11% năm 2011. Quy mô nợ xấu chưa được xác định rõ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến con số 400.000 tỉ đồng song nợ xấu nằm ở đâu, số lượng bao nhiêu (ngân hàng, bất động sản, doanh nghiệp Nhà nước) thì chưa được xác định rõ.
Hai là, bất động sản đóng băng chôn một số tín dụng rất lớn, có thể lên đến 1,1 triệu tỉ đồng với quỹ hàng hóa khác xa so với nhu cầu có khả năng chi trả của người lao động bình thường. Từ năm 2000 đến 2010, giá bất động sản đã tăng 1.000%, tức tăng lên 10 lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 2,9 lần, bộc lộ những lỗ hổng của quản lý Nhà nước, sự thao túng của những nhóm lợi ích.
Ba là, đến cuối năm 2011, số nợ tín dụng của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, trong đó có những tập đoàn tỉ lệ vốn vay trên vốn sở hữu đã vượt ngưỡng 1.000/1. Từ năm 1965, nước ta đã bắt đầu công cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước và năm 2013 sẽ vẫn tiếp tục công cuộc này.
Bốn là, khu vực doanh nghiệp tư nhân, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã bị suy yếu nhiều do lạm phát cao, lãi suất quá sức chịu đựng từ năm 2008 đến nay. Trong 2 năm 2011-2012, đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động hay tuyên bố phá sản trong khi đa số doanh nghiệp còn hoạt động chỉ với 30%-40% công suất.
Đó là một quá trình sàng lọc phũ phàng, cay đắng; có những nhà đầu tư đã thừa nhận sai lầm và phải trả giá nhưng cũng có không ít doanh nghiệp xây dựng chết oan vì bị nợ tiền công cả năm trời hay những doanh nghiệp nhỏ phải chết theo những doanh nghiệp lớn.
Những yếu tố trên đã tác động đến thu nhập và việc làm của người dân lao động rất rõ: thiếu việc làm, giảm thu nhập, chấp nhận làm thêm giờ, tăng ca và hạn chế chi tiêu; còn ngân sách Nhà nước bị hụt thu; Nhà nước đã phải dãn thuế, giảm thuế cho nhiều đối tượng...
Tất cả phải hành động!
Có thể nói, 2013 sẽ là năm tái cấu trúc trên quy mô lớn của nền kinh tế nước ta, từ kinh tế vĩ mô đến từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá lại mình, cắt lỗ, giải quyết hàng tồn kho và những đầu tư hay kinh doanh sai lầm trong quá khứ.
Trong khi đó, nhu cầu về chăm sóc y tế, giáo dục, về đổi mới công nghệ, vận dụng công nghệ thông tin vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội cho đầu tư.
Đất nước rất cần những quyết sách chiến lược, vừa cấp cứu, hồi sức cho nền kinh tế vừa tái cấu trúc và chữa trị những căn bệnh đã thấm sâu. Mỗi người và tất cả phải hành động để vực dậy nền kinh tế, chống tham nhũng, lãng phí và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ngay trong những ngày đầu năm 2013.
Thảo Nguyên (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển