2014- Kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu?
Đó là một trong số những nhận định được bà Mai thị Thu - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCEIF) đưa ra tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức sáng ngày 12/12.
Theo đánh giá của bà Thu, các cơ chế, chính sách ban hành trong năm 2013; đặc biệt là các chính sách giải quyết khó khăn căn bản như hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng… đã dần đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng tổng vốn đầu tư vẫn tăng khá chậm, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý III/2013 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012. Tốc độ tăng xuất khẩu ấn tượng đạt được chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp FDI .Đây mới chính là khu vực làm giảm mức nhập siêu của nền kinh tế 2 năm trở lại đây. Mặt khác, việc kim ngạch nhập khẩu giảm, nhất là giảm trong nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho thấy hoạt động sản xuất còn chưa thực sự hồi phục.
Các doanh nghiệp giảm chi tiêu do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp quy mô (do thiếu vốn, phần vì hàng hóa không có thị trường tiêu thụ). Lạm phát thấp, có một phần nguyên nhân do tổng cầu yếu. Thu nhập hạn chế làm người dân "thắt lưng, buộc bụng", luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế do chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, dẫn đến lượng tiền lưu thông hạn chế, qua đó làm giảm sức ép tăng giá, duy trì mức lạm phát thấp.
Về lãi suất, tuy có giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Các ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp cũng mong tiếp cận được nguồn vốn, thế nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau. Phía doanh nghiệp không thể tiếp cận được những khoản vay là do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do ngân hàng đặt ra.
Tuy nhiên, theo bà Thu thì về cơ bản, doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất là năm 2012 và 2013. Những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động đã chứng minh được nguồn lực và tính khả thi trong hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi Chính phủ kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014, thì đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.
Kịch bản đối với kinh tế Việt Nam 2014 được bà Thu đưa ra khá chi tiết: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%; Chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2013, đạt khoảng 7%; tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,03%, CPI khoảng 7,2%.
Đặc biệt, trong năm 2014, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 22% chính thức có hiệu lực sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp, chính sách tài chính tiền tệ 2014 – 2015 tập trung cho việc duy trì lãi suất thấp từ 10 – 13%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bà Thu cho rằng năm 2014 là năm “tăng tốc” phát triển để đạt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng như trước đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo