2015: Năm của hội nhập
Cơ hội lớn
Chỉ trong mấy tuần cuối năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 2 FTA quan trọng với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và Hàn Quốc. Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2015, hàng loạt hiệp định khác cũng có hiệu lực hoặc sẽ được ký kết, như hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…
Những hiệp định trên sẽ mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển, khi thị trường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của nước ta được mở rộng, như: Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày…
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8/2014, ông Pascal Lamy (nguyên Tổng Giám đốc WTO) cho rằng: Để tận dụng cơ hội WTO và các hiệp định thương mại tự do sắp tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 điểm: Thuận lợi hóa thương mại, logistics và hài hòa quy định pháp luật với các nước.
“Việt Nam có bộ máy quan liêu khá cồng kềnh, khiến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất - nhập khẩu gặp nhiều gánh nặng, khi chi phí hành chính chiếm khoảng 10% giá trị hàng hóa và nó sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng”, ông Pascal Lamy nói.
Theo ông Pascal Lamy, Việt Nam phải chọn được ưu tiên cho mình, lợi thế ở đâu để tạo được sản phẩm cạnh tranh với chất lượng tốt nhất, giá cả phải chăng nhất.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2015 sẽ mở ra hàng loạt các FTA, đây là cơ hội rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, cơ hội sẽ đến khi mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, dệt may. Từ đó tạo nhiều việc làm, giá trị gia tăng cao hơn, đem lại lợi ích cho người sản xuất và xã hội.
Bộ trưởng Vinh dẫn chứng, FTA vừa kết thúc đàm phán với Liên minh Hải quan Nga- Belarus - Kazakhstan sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm cá tra, ba sa (chúng ta đang dư thừa) vào những nước này, khi yêu cầu những nước này cũng không quá cao.
“Nếu chúng ta khai thác được và chuẩn bị sẵn sàng để chộp được thời cơ đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% năm nay cũng không quá khó”, Bộ trưởng Vinh nói.
Ngày 5/12/2014, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các hiệp định đã ký. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục đàm phán và kết thúc 6 FTA mới.
“Trên cơ sở đó Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy mạnh thương mại và thu hút đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng nói. Để làm được điều đó, theo người đứng đầu Chính phủ, mục tiêu năm 2015 là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, tập trung tái cơ cấu thị trường, theo hướng phát triển mạnh thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc lớn vào bất kể thị trường nào…
Bài học từ WTO
Khi hội nhập, cơ hội cho kinh tế Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là tận dụng và phát huy nó thế nào? Nhìn lại 20 năm mở cửa của Việt Nam, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Quốc gia HN), cảnh báo nguy cơ về một “cái bẫy của tự do hóa thương mại”. Đặc biệt, cải cách thể chế kinh tế trong nước không như kỳ vọng khiến nhiều người hoài nghi về tiến trình hội nhập.
Tại không ít diễn đàn bàn về hội nhập, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, khi tham gia vào AEC và các FTA, Việt Nam cần định vị các cộng đồng, đối tác nằm ở đâu, quan hệ hội nhập như thế nào. Từ đó, chúng ta cần thiết kế một kế hoạch tổng thể hội nhập để cam kết, lộ trình làm sao cho hài hòa.
Đồng tình quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Sau những tích cực của WTO, khi cải cách thể chế chững lại mọi thứ bắt đầu chùng xuống, có vẻ như kinh tế Việt Nam đang mong manh hơn so với kinh tế thế giới.
Thể hiện ở con số tăng trưởng không đạt như kỳ vọng (giai đoạn 2007-2011, GDP đạt khoảng 6,5%, thấp hơn so với mức 7,8% thời kỳ 2002-2006; nông nghiệp phát triển không thuận, chỉ tăng 3,4 %, thấp hơn mức tăng của những năm Việt Nam chưa vào WTO)... “Phải chăng DN chưa tận dụng được cơ hội WTO, nên chưa đạt tốc độ tăng trưởng như mong muốn”, ông Lộc đặt câu hỏi.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đưa ra cảnh báo, khi hội nhập Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt với hầu hết các nước trong ASEAN có kinh tế tương đồng Việt Nam.
TS Doanh cho rằng, cần rút ra bài học sau hội nhập WTO năm 2007, khi đó đầu tư nước ngoài tăng lên hơn 70 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì cải cách thể chế, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của DN để hấp thụ vốn, chúng ta lại đi ngược, đem vốn ào ạt đầu tư vào bất động sản (lên tới 1 triệu tỷ đồng).
Các tập đoàn nhà nước lập ra rồi đa dạng hóa đầu tư vào tài chính, bất động sản… những lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước không nên làm. Để tới nay bong bóng bất động sản chưa giải quyết được, nợ xấu lớn.
“Rút kinh nghiệm từ việc tham gia WTO, chúng ta cần chuẩn bị nội lực kỹ. Đồng thời, cần đổi mới thể chế kinh tế để tận dụng cơ hội khi mở cửa và nâng sức cạnh tranh của các DN”, ông Vũ Khoan nói.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, vừa qua DN Việt đã lớn hơn nhiều sau các vụ kiện bán phá giá, nhưng còn nhiều khiếm khuyết (như yếu của DN về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, nhìn ngắn hạn…).
Đồng thời, DN phải học cả kết nối, chuỗi, mạng sản xuất, phân phối theo hướng phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích; học cách đồng hành với pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình, tham gia cùng Chính phủ trong các đàm phán thương mại. “Kinh tế mở cửa sẽ tạo cạnh tranh quyết liệt, DN phải ý thức được điều đó để chuẩn bị, không phải nước tới chân mới nhảy”, TS Thành nói.
Với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đáng lo nhất là các cơ quan nhà nước cứ nói, còn DN vẫn không để tâm. “Tôi gặp một số DN họ nói chúng tôi không biết gì về cái này (các FTA - PV), nghe bộ trưởng nói thế thì quá tuyệt. Như vậy rất nguy hiểm. Quan trọng là thông tin tới DN, giờ cứ nói các FTA là hay, có lợi, nhưng DN phải làm gì, chuẩn bị gì, nhà nước hỗ trợ thế nào đều phải tính tới”, Bộ trưởng Vinh nói.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và đầu tư, khi AEC thành lập vào năm 2015, sẽ tạo ra thị trường tự do luân chuyển hàng hóa, lao động, kỹ thuật trong 10 nước ASEAN; năm 2018, khi các FTA có hiệu lực 100% (thuế về 0%), ô tô nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường…
Người tiêu dùng nghe thì phấn khởi vì được mua hàng giá rẻ chất lượng cao, nhưng chúng ta sẽ bóp chết hết các ngành sản xuất trong nước và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
“Nền kinh tế sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng sẽ không tồn tại. Lúc đó DN chết, thất nghiệp tăng, đấy là một nền kinh tế rất bấp bênh. Đó là thách thức khi chúng ta hội nhập, tôi rất lo lắng điều này”, Bộ trưởng Vinh nói.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bên cạnh quyết tâm đàm phán để ký kết được các FTA, phải tuyên truyền để cơ quan nhà nước, DN, người dân biết; lên đối sách với từng cấp, từng ngành, thậm chí từng DN để ứng phó, tìm cơ hội đầu tư.
“Nếu chúng ta khai thác được và chuẩn bị sẵn sàng để chộp được thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% năm nay sẽ không quá khó”.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng