Thị trường

29.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp

“Một vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết riêng về gói giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình hình đình trệ sản xuất”.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như vậy trong buổi họp báo chiều 4-5, sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá trị mà doanh nghiệp hưởng lợi từ gói giải pháp này vào khoảng 29.000 tỉ đồng. Thu ngân sách sẽ bị giảm 9.000 tỉ đồng trong năm 2012 nhưng sẽ được cân đối bằng thu từ dầu thô do giá tăng cao hơn dự kiến.

 

Năm nguyên tắc gỡ khó cho doanh nghiệp

 

Theo ông Đam, chuẩn bị cho đề án về gói giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương cùng VCCI lần đầu tiên đã có những báo cáo khảo sát toàn diện về thực trạng doanh nghiệp hiện nay. Kết quả đã làm rõ được doanh nghiệp và nhóm vấn đề mà doanh nghiệp khó khăn, trong đó thấy thấy phần lớn giải thể, phá sản thuộc nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe máy.

 

Số khác thuộc ngành nghề không khuyến khích như khai khoáng, sử dụng công nghệ lạc hậu.

 

Trên cơ sở đánh giá tổng thể này, Chính phủ đã thảo luận đề án về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN do Bộ Tài chính chuẩn bị.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết các giải pháp này được xây dựng đảm bảo năm nguyên tắc: 1) Ổn định kinh tế vĩ mô, không tái lạm phát, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường; 2) Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng khó khăn; 3) Tạo điều kiện thanh khoản và vốn cho doanh nghiệp, có tính tới khả năng cân đối của ngân sách; 4) Phối hợp nhịp nhàng với điều hành chính sách tiền tệ, từng bước giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp; và 5) Gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệpốm yếu cũng được hưởng lợi

 

Theo bà Mai, khảo sát liên ngành cho thấy doanh nghiệp khó khăn chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ, trong các ngành nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng kết cấu hạ tầng, bất động sản, cơ khí, vận tải thủy, xi măng, sắt thép.

 

Vì vậy, các giải pháp hỗ trợ được đưa ra chủ yếu về thuế: Giảm 30% thuế thu nhập 2012 với tất cả doanh nghiệp đã được nêu trong Nghị quyết 08 của Chính phủ trước đây (trừ ngành tài chính, bảo hiểm, xổ số và sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

 

Giãn thời hạn nộp sáu tháng với thuế VAT từ tháng 4 đến tháng 6-2012 với tất cả doanh nghiệp. Giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp nói chung (trước chỉ áp dụng với doanh nghiệp sản xuất). Miễn toàn bộ thuế khoán với dịch vụ cho thuê nhà trọ và miễn thuế môn bài với một số lĩnh vực.

 

Các giải pháp kèm theo là đẩy nhanh phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh giải ngân vốn ngân sách; bổ sung 1.000 tỉ đồng cho vay kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng nuôi trồng thủy sản và hạ tầng giao thông nông thôn; cho phép sử dụng kinh phí tạm dừng mua sắm năm 2011 vào nhiệm vụ 2012.

 

Với các giải pháp trên, theo bà Mai, doanh nghiệp đang đình đốn sản xuất, kinh doanh cũng được hưởng lợi, chứ không chỉ doanh nghiệp có lãi, “nhà giàu” như một số ý kiến bình luận gần đây. Và gói giải pháp tổng thể này, ngoài việc giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tồn kho, mà khảo sát cho thấy chủ yếu ở ngành xi măng, sắt thép.

 

Theo PL TP HCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo