29.000 tỷ có cứu được doanh nghiệp?
Khó thuế nên gỡ thuế
Theo lý giải của Bộ Tài chính, sở dĩ bộ này dùng gói giải pháp về thuế và phí vì các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thuế.
Về nợ thuế, tính đến hết tháng 2/2012 số nợ thuế của doanh nghiệp đã tăng 28,5% trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,7%, khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng 13,9%. Nợ thuế VAT lớn phải kể đến bất động sản, khai khoáng nông lâm nghiệp, dịch vụ ăn uống.
Tính đến giữa tháng 3, số doanh nghiệp nợ thuế nhập khẩu lên tới 8.456 doanh nghiệp. Do doanh nghiệp nợ thuế nhiều, nên số thu ngân sách từ thuế giảm mạnh, như: bất động sản nộp thuế VAT giảm 29,8% so với cùng kỳ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giảm 22%, vận tải kho bãi giảm 16,4%, nông lâm nghiệp thủy sản giảm 7,4%... Còn số thuế thu nhập doanh nghiệp thu đạt mức thấp nhất trong các năm từ 2009 trở lại đây.
Theo Bộ Tài chính, bức tranh tài chính của doanh nghiệp qua các chỉ tiêu về thuế và hàng hóa tồn đọng đang phát đi những tín hiệu xấu. Nếu tiếp tục kéo dài, sẽ gây nên những trì trệ, suy giảm kinh tế, chưa kể ảnh hưởng đến bài toán thu ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, chỉ số tồn kho của doanh nghiệp tại thời điểm 1-4 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,1%, mức tăng tương đối cao so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó tập trung vào một số ngành như chế biến và bảo quản rau quả (tăng 94,8%), phân bón (tăng 63,4%), xi măng (tăng 44,2%), xe máy (tăng 38,9%), sản xuất trang phục (tăng 35,6%), chế biến thủy sản (tăng 35,2%), sản xuất xe có động cơ (tăng 31,6%). |
Cũng chính từ thực tế này, trong nhóm giải pháp “cứu doanh nghiệp” mà ngành tài chính đề xuất, nhóm thuế và phí được lưu ý nhất. Trong tổng gói dự kiến 29.000 tỷ đồng, thì giãn thuế khoảng 16.000 tỷ đồng (VAT khoảng 12.300 tỷ và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp 3.500 tỷ đồng).
Còn lại là các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ kinh doanh, thuế môn bài sẽ ở mức khoảng 4.100 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng và các giải pháp về chi tiêu trị giá khoảng 2.670 tỷ đồng.
Đồng thời với gói trên, Bộ Tài chính quyết định “mở hầu bao” cho chi tiêu công thông qua sử dụng số thu tăng của 2011.
Tổng gói chi dự kiến lên tới 4.600 tỷ đồng trong đó bổ sung thêm 2.100 tỷ đồng để thực hiện một số công trình cấp bách; dành thêm 1.000 tỷ đồng cho kiên cố hóa kênh mương, 750 tỷ đồng xây nhà cho người có công với cách mạng; 460 tỷ đồng làm vốn đối ứng cho các dự án ODA; Dành 100 tỷ đồng (Quỹ hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho hộ nghèo vay sản xuất. Đặc biệt cho phép các đơn vị sử dụng khoản kinh phí 2011 tạm dừng mua sắm nay chuyển sang kinh phí năm 2012 và thực hiện mua sắm theo quy định của Chính phủ.
Theo ông Vũ Đức Thăng, Viện trưởng Viện kinh tế Chiến lược (Bộ Tài chính) đối tượng chọn để gỡ thuế lần này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động. Do những doanh nghiệp này có thể thích ứng với chính sách cực nhanh. Theo tính toán gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp tăng trưởng thêm 1% GDP năm 2012.
Gói hỗ trợ chỉ “cứu” được doanh nghiệp khỏe, còn doanh nghiệp yếu hay đang “hấp hối” thì đâu có doanh thu hay lợi nhuận mà nộp thuế? Trả lời câu hỏi này, ông Thăng nói: “Không nên chỉ nhìn doanh nghiệp có lãi mới được cứu bởi doanh nghiệp cần tiếp vốn nhưng không phải lúc nào cũng tiếp cận ngay được với ngân hàng, trong khi giãn thuế, giảm thuế là giảm ngay chi phí đầu vào. Việc giãn thuế VAT sáu tháng sau (ví dụ ngày 20-5 phải nộp của tháng 4 thì nay tới 20/11/2012 mới phải nộp) sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng khoản tiền đó tạo dòng vốn luân chuyển, có tác dụng tốt”.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời mở hầu bao đầu tư công, có làm tăng lạm phát? Ông Thăng cho rằng, tiền vào địa chỉ nào đã được Bộ Tài chính cân nhắc. Tuy nhiên, để giữ được lạm phát ở mức ổn định, cần sự phối hợp của chính sách tiền tệ.
Doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng 14,8% Theo Bộ Tài chính, qua theo dõi mã số thuế doanh nghiệp, quý I có hơn 18.700 doanh nghiệ thành lập mới, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2011. Tính đến cuối quý 1/2012 cả nước có khoảng 445.000 doanh nghiệp đang hoạt động; Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động khoảng 10.350 doanh nghiệp, tăng 14,8% so với cùng kỳ; trong số đó có 23,1% doanh nghiệp thành lập được một năm và 41,9% doanh nghiệp thành lập được hai năm. |
Chẳng hạn cùng với cung tiền ra chi cho một số hạng mục đầu tư công, sẽ tạo được sự luân chuyển của thị trường sắt thép, xi măng, nội thất văn phòng… Khi đó, ngân hàng thanh khoản tốt lên, sẽ đề nghị NHNN giảm phát hành tín phiếu mà tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, để hút tiền về, nên không lo lạm phát.
Trao đổi với PV, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Việc đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp là đúng, nhưng đó mới chỉ là góc nhìn từ phía Bộ Tài chính.
Vấn đề hiện nằm ở chỗ toàn bộ những giải pháp “cấp tốc” mà Chính phủ đưa ra chỉ là những giải pháp ngắn hạn, mang tính hỗ trợ tạm thời. Cái cần là chúng ta phải có tầm nhìn trung và dài hạn để tránh câu chuyện “hiện tượng lạm phát lặp đi lặp lại”.
Gói hỗ trợ về thuế chỉ mang tính chất chia sẻ trước mắt, chứ cái cần là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Vấn đề gốc đó là trong bức tranh kinh tế từ nay đến 2015, Chính phủ phải đưa ra một cam kết chắc chắn là tới đó sẽ kéo giảm lạm phát xuống còn từ 5-7%.
Như vậy lãi suất huy động có thể ở mức 6-8%; còn cho vay phổ biến 10% - 12%. Lãi suất thấp khiến người dân có thể rút bớt tiền gửi ra khỏi ngân hàng quay trở lại một số mảng đầu tư.
Đó cũng là tín hiệu tốt kích thích kinh tế. Chính phủ phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc vay vốn, đó mới là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp mạnh dạn trong việc đầu tư.
Theo ông Ngân, bên cạnh đó tới đây NHNN cần phải tiếp tục kéo giảm lãi suất nữa. Để làm được như vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu và điều hành chính sách lãi suất theo lạm phát mục tiêu để lãi suất nằm ở mức thấp, khuyến khích doanh nghiệp vay tiền.
Chính phủ phải đưa ra cam kết lãi suất ở mức thấp trong thời gian lâu dài. “Mục tiêu chính là phải ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức 5,5% là vừa.
Xét đến cùng đây không phải là thời điểm kích cầu mà là thời điểm tái cấu trúc phải chấp nhận sự hy sinh của những doanh nghiệp yếu kém không cần thiết. Chúng ta đang “ưu tiên” tái cấu trúc nền kinh tế như thế không cần “chạy” mà phải vừa đi “bộ” để vừa đi vừa ngẫm”, ông Ngân nói
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'