Thị trường

3.000 mặt hàng Nhật áp thuế 0%: dân mừng, doanh nghiệp lo

Nhiều bạn đọc tỏ ra vui mừng trước thông tin tới đây sẽ có nhiều mặt hàng Nhật được nhập vào Việt Nam với thuế suất bằng 0.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị Nhật Bản ở TP.HCM

 

Trong số 3.200 mặt hàng Nhật được áp thuế 0% từ ngày 1-4 rơi vào một số mặt hàng như: phụ tùng, máy móc, linh kiện ngành cơ khí, nông nghiệp, in ấn, máy vi tính…

 

Anh Tùng, một người làm nghề tự do ở TP.HCM, cho biết đây là thông tin vui bởi anh có thể mua một máy vi tính hàng Nhật chính hiệu với mức thuế 0%, thay vì mua qua trung gian và bị đội giá như trước đây.

 

“Chỉ hi vọng với thuế bằng 0% thì khi về đến Việt Nam, các kênh phân phối sẽ không tìm cách đẩy giá lên”, anh Tùng cho biết.

 

Chị My, nhân viên của một công ty Nhật, cho biết chị đánh giá rất cao chất lượng của những sản phẩm Nhật. “Vì thế nếu có thêm càng nhiều mặt hàng thuế 0% thì người tiêu dùng như mình càng được lợi”, chị My nói.

 

Bên cạnh niềm vui của người tiêu dùng, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Cơ hội cho nền kinh tế

 

Nhận định về sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi nhiều mặt hàng Nhật vào Việt Nam với thuế bằng 0, chuyên gia kinh tế, giảng viên Chương trình Fullbright Huỳnh Thế Du cho rằng ngay cả khi thuế bằng 0% thì các mặt hàng do Nhật sản xuất cũng thuộc phân khúc thị trường cao cấp, đắt tiền và “sự cạnh tranh có thể không diễn ra gay gắt bởi trình độ sản xuất của Nhật và Việt Nam có sự chênh lệch”, ông Du nói.

 

Ông Du đưa ra một ví dụ cụ thể là đối với khách du lịch nước ngoài đến nước ta, khi họ có nhu cầu tìm đến những mặt hàng cao cấp thì việc áp thuế 0% lên nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ là lợi thế thu hút cho nền kinh tế Việt Nam.

 

“Mở cửa với những hàng hóa như của Nhật là một cơ hội”, ông Du khẳng định.

 

“Đã hết đất cho những doanh nghiệp trong nước muốn làm mưa làm gió trong ao nhà rồi”, một bạn đọc viết. Bạn đọc Quan Tran chia sẻ: Mừng cho người tiêu dùng nhưng lo cho nhà sản xuất trong nước, rồi đây trên các kệ hàng hóa siêu thị, trung tâm thương mại... sẽ tràn ngập hàng hóa nhập khẩu với chất lượng tốt, giả cả phù hợp.

 

Người tiêu dùng chọn mua hàng Nhật tại cửa hàng Hachi Hachi (đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

 

Một bạn đọc khác thì lo lắng liệu các doanh nghiệp trong nước “vắt chân lên cổ” có theo kịp lộ trình thuế suất 0% của hàng hóa các nước đổ vào ta?

 

“Sẽ càng nhiều doanh nghiệp gục ngã, co cụm khi không theo kịp chất lượng và giá cả, đồng nghĩa với người dùng lao vào xài hàng ngoại”, một bạn đọc bày tỏ.

 

Tuy nhiên, theo đại diện một công ty chuyên gia công chế tạo các sản phẩm, phụ kiện tự động hóa, thì doanh nghiệp của ông không chịu ảnh hưởng hay sức ép gì từ việc nhiều hàng Nhật vào Việt Nam với thuế 0%. Ông này cho biết ngay cả về lâu dài cũng không có sự lo lắng bởi đối tượng khách hàng của công ty ông đã được xác định rất rõ ràng.

 

Giúp doanh nghiệp hội nhập

 

Song song với câu chuyện hơn 3.200 mặt hàng Nhật sẽ vào VN với thuế suất 0%, VN cũng đang tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc cắt giảm và xóa bỏ dần hàng rào thuế quan giữa các nước sẽ là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp VN.

 

Trả lời đại diện doanh nghiệp về lo lắng VN tích cực tham gia các FTA nhưng lại chưa chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh cho rằng VN đàm phán ký kết các FTA thì tương đối tích cực, nhưng đồng thời quá trình chuẩn bị, thông tin cho doanh nghiệp lại chưa tốt.

 

Ví dụ như cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Vinh nêu khả năng tới đây khi lưu thông hàng hóa, nhân lực có kỹ thuật tự do hơn, có thể doanh nghiệp FDI không cần dùng nhân lực VN nữa, dù đã có người VN giỏi tiếng Anh nhưng họ có thể dùng người Philippines vốn dùng tiếng Anh như tiếng phổ thông. Ngay thị trường bán lẻ cũng rất phức tạp, “không cẩn thận khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì thị trường bán lẻ của VN sẽ thu hẹp” - ông Vinh nói.

 

Cho rằng vẫn thực hiện các cam kết quốc tế nhưng phải nâng tầm doanh nghiệp VN, ông Vinh đề nghị ba việc: thông tin từng FTA, những ảnh hưởng đến các khu vực thế nào cho doanh nghiệp biết. Thứ hai, có chính sách hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ hoặc địa phương để thực thi các cam kết và thứ ba là có đào tạo hỗ trợ.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh

 

Việc thông tin cho doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng “Không phải ký xong mới nói, mà đang đàm phán đã phải nói”. Tiết lộ như đàm phán TPP, Mỹ đang nói phải mở cửa 100% thuốc y tế trong khi Bộ Y tế đề nghị mở 50%, ông Vinh nói thẳng “việc chuẩn bị cho doanh nghiệp chưa tốt”.

 

“Cái này không thể ngay lập tức thay được, còn liên quan chế tài. Như Luật đấu thầu có rồi, có nơi “có làm đâu” thì phải xử lý", ông Vinh nói. Tiết lộ mấy hôm nay Thủ tướng họp liên tục với các bộ trưởng để cải thiện môi trường kinh doanh, ông Vinh tin tưởng môi trường kinh doanh VN sẽ tốt lên.

 

“Có thể môi trường đầu tư tại VN chưa được hoàn thiện, nhưng quyết tâm của Chính phủ là rất rõ ràng theo hướng tiếp tục đổi mới để VN sánh bằng, thậm chí hơn các nước trong khu vực trong môi trường đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Dù còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn bên cạnh các bạn, sẽ sửa đổi chính sách để các bạn mạnh lên” - ông Vinh kỳ vọng.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo