3 hay 3,4 triệu đồng/tháng cho mức lương tối thiểu năm 2015?
Mức lương tối thiểu đã được Bộ luật Lao động quy định là mức thấp nhất trả cho người lao động khi họ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Tất nhiên, luật cũng quy định mức lương này phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Do đó mức lương tối thiểu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tăng giảm, giá của các mặt hàng thuộc rổ hàng hóa quy định, cách tính mức sống tối thiểu của người lao động ở từng vùng, tác động của lạm phát, chỉ số CPI tác động vào đời sống của người lao động… Và đó cũng chính là điều gây tranh cãi của ba bên thành viên trong hội đồng tiền lương quốc gia gồm Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ảnh minh họa. Nguồn: http://trungtamketoan.edu.vn |
Đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo cách tính truyền thống của mình, đề xuất mức lương tối thiểu phải là 3.400.000 đồng/người/tháng. Lý do, theo điều tra của của các cơ quan thuộc TLĐLĐ thì hiện nay muốn tạm đảm bảo mức sống tối thiểu thì người lao động ở vùng 1 ít nhất phải chi khoảng 3,4 triệu đồng, tăng gần 26% so với mức lương tối thiểu năm 2013. Nếu dưới mức đó thì hoàn toàn không thể đáp ứng cho việc tái sản xuất sức lao động cho người lao động. Hơn nữa, mục tiêu của lộ trình Chính phủ cũng đã đề ra là đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động. Thực tế CNLĐ đang làm việc ở các KCN trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Lương của họ phải gánh quá nhiều cho tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước với giá cao... ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống tối thiểu. Nhiều người lao động đang bị giảm sút nhanh chóng về sức khỏe nên không yên tâm làm việc, họ đã tính chuyện về quê, bởi dù cố sức làm việc vất vả cũng không đủ sống chứ chưa nói đến việc có tích lũy phòng thân.
Còn về phía VCCI, đại diện cho giới sử dụng lao động cũng đồng tình việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015, nhưng nhấn mạnh là phải cân nhắc ở mức phù hợp sao cho vừa đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu tăng lương nhiều có thể làm doanh nghiệp (DN) gặp thêm khó khăn, nhất là các DN dệt may, da giày và thủy sản. Hơn nữa khi tiền lương tăng vượt quá sự chịu đựng của DN thì mức cạnh tranh sẽ giảm, DN phải đầu tư thêm máy móc thay vì tuyển thêm lao động hoặc phải thu hẹp sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ người lao động bị mất việc hoặc nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm. Điều đó ảnh hưởng không tốt đến người lao động và cả xã hội. Năm 2015 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, cho nên việc tăng lương tối thiểu cao sẽ như một đòn giáng thêm vào các DN. Cho nên, đại diện người sử dụng lao động đã đề xuất tăng 11% so với hiện tại. Cụ thể, mức lương tối thiểu năm 2015 cho vùng 1 là 3 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; Vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng. |
Đại diện phía nhà nước trong Hội đồng tiền lương là Bộ LĐTB&XH đã đưa ra đề xuất tăng ở mức 14% so với mức lương tối thiểu cũ. Nghĩa là năm 2015, mức lương tối thiểu của vùng 1 là 3,05 triệu đồng/tháng. Mức đề xuất này dựa trên việc tính toán bình quân tiền lương phải gắn với năng suất lao động. Tiền lương là tổng sản phẩm xã hội được phân phối để đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động cho người lao động, vậy nên tiền lương phải gắn với năng suất lao động. Năng suất lao động thấp mà tiền lương lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là trái quy luật. Như vậy, mặc dù đời sống của người lao động còn thấp nhưng nếu nâng tiền lương thì tiền lương lại đi nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Như vậy cả ba bên đều có những quan điểm khác nhau trong cách tính toán mức lương tối thiểu. Rõ ràng, với vai trò dung hòa lợi ích của ba bên, Bộ LĐTB&XH phải đưa ra được một mức lương tối thiểu. Mặc dù hiện nay tổng mức thu nhập của đa số người lao động ở các khu CN, chế xuất đều trên mức lương tối thiểu đề xuất nhưng giải pháp hay nhất có lẽ nên chú trọng nhiều hơn đến lợi ích của người lao động, mức lương tối thiểu năm 2015 nên gần hơn mức đề xuất của TLĐLĐ...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh