30% số đập thủy điện nhỏ không được kiểm định
Đó là khẳng định của Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường (UBKHCNMT) của QH về việc rà soát quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện trên cả nước thời gian qua.
Loại bỏ gần 500 dự án thủy điện
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Chính phủ cho biết, trong những năm qua việc phát triển thủy điện khá “nóng” dẫn đến nhiều dự án không phát huy hiệu quả, mà còn tác động xấu đến môi trường.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy điện và đến tháng 9.2013, đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, với tổng công suất phát điện 395MW và 418 DATĐ nhỏ có tổng công suất phát điện 1.174,49MW, do những dự án này có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường xã hội (MT-XH), hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác.
Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện ước tính có thể phát điện 375,65MW. Tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với MT-XH và nếu có điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 DATĐ bậc thang tổng công suất 208MW và 132 DATĐ nhỏ tổng công suất 915,7MW.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết các dự án cần được tiếp tục rà soát đánh giá bao gồm 149 DATĐ nhỏ tổng công suất 1.344,8MW và 9 DATĐ bậc thang tổng công suất 551MW. Sau khi loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ có tổng công suất phát điện 24.324,3MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án tổng công suất 14.240,5MW và đang thi công xây dựng 205 dự án tổng công suất 6.198,8MW, dự kiến đưa vào khai thác từ nay đến 2017.
Tiềm ẩn rủi ro khó lường!
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UBKHCNMT của QH Phan Xuân Dũng cho rằng chất lượng quy hoạch thủy điện (TĐ), đặc biệt là TĐ nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi. Khoảng 34% tổng số dự án TĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là TĐ nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỉ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án).
Cũng theo ông Phan Xuân Dũng thì việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.
Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng việc khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực, ví dụ như TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bêtông; TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) có hiện tượng thấm nước qua thân đập vượt quá mức quy định; động đất kích thích gây hoang mang, lo lắng, hư hại tài sản của người dân trong khu vực...
Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Nhiều diện tích rừng bị phá để làm thủy điện
Đối với công tác quản lý, vận hành hồ chứa công trình thủy điện, ông Phan Xuân Dũng cũng cho rằng ngoài các hồ chứa TĐ lớn, đa mục tiêu đã thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du thì còn không ít công trình TĐ khác trong quá trình vận hành, chủ đầu tư thường quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thực sự chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt trong mùa kiệt nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt.
Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.
Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các TĐ nhỏ; chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ.
Đối với việc trồng rừng thay thế, dù Chính phủ cho rằng đã được thực hiện tốt, nhưng UBKHCNMT khẳng định diện tích rừng trồng thay thế mới được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu.
ĐB Trần Du Lịch: “Chất lượng quy hoạch hiện đang có vấn đề và chúng ta đang thiếu đạo luật về quy hoạch. Tôi ủng hộ việc loại bỏ những công trình thủy điện kém hiệu quả nhưng tôi cũng xót xa cho doanh nghiệp đã đầu tư vì họ không làm điều sai nhưng bị loại và bị mất một phí tổn quá lớn”. Tôi có thể lấy ví dụ như thủy điện 6 và 6A của Đồng Nai nhiều lần đưa vào quy hoạch, Chính phủ phê duyệt, nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền vào đó nhưng do bức xúc của địa phương thấy rằng hiệu quả kinh tế đem lại không cao bằng hậu quả gây ra nên đã kiến nghị dừng, rút ra khỏi quy hoạch. C.Tùng ghi |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất