Thị trường

35% doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng qua website

Có tới 40% doanh nghiệp đã có website và 35% doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng qua website, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2012. Điều này cho thấy các DN đã nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử và sử dụng website một cách hiệu quả, khai thác tốt hơn lợi thế của phương thức kinh doanh trực tuyến này.

Các DN đã nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử và khai thác tốt hơn lợi thế của phương thức kinh doanh trực tuyến này.

Đó là một trong số các thông tin được ông Nguyễn Kỳ Minh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cho biết tại Lễ Công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) năm 2013 diễn ra chiều 30/12.

EBI 2013 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát hơn ba nghìn DN trên cả nước. Mức điểm xấp xỉ trung bình EBI 2013 đạt 56/100 điểm, được đánh giá là mức khả quan, bởi khi xét chỉ số TMĐT sẽ bao gồm nhiều yếu tố cộng lại, cả về hạ tầng, công nghệ thông tin cho từng địa phương, cả mức độ ứng dụng TMĐT giữa DN-DN, giữa DN-cá nhân khách hàng, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công.

Theo đó, năm 2013 đã chứng kiến sự tiến bộ đáng kể của các loại hình giao dịch trực tuyến giữa DN với DN (B2B) và giữa DN với người tiêu dùng (B2C). Mức độ và hiệu quả sử dụng email của các DN đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% DN đã sử dụng email để nhận đơn đặt hàng, trong khi tỷ lệ này của năm 2012 là 70%. Có tới 43% DN đã có website và 35% DN đã nhận đơn đặt hàng qua website.

Các DN cũng chú ý hơn tới hoạt động quảng bá cho website và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau cho hoạt động này. Công cụ tìm kiếm tiếp tục là phương tiện được nhiều DN sử dụng nhất (43%), báo điện tử đứng ở vị trí thứ 2 (40%). Công cụ mạng xã hội được DN sử dụng với tỷ lệ 37% và dần tiệm cận với tỷ lệ quảng bá trên các báo điện tử.

Tỷ lệ DN tham gia các sàn TMĐT của năm 2013 là 12% và có tới 33% DN cho rằng tham gia sàn TMĐT mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên tỷ lệ các DN chưa sử dụng bất cứ hình thức nào để quảng bá website của mình vẫn chiếm 15%, bằng với tỷ lệ của năm 2012.

Bên cạnh đó, việc cung cấp trực tuyến thông tin và dịch vụ công của các cơ quan nhà nước là một thành phần quan trọng của thương mại điện tử. Có tới 48% DN đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng còn 13% DN chưa bao giờ truy cập website này.

“Điều này là vô cùng quan trọng vì nếu cơ quan Nhà nước không tích cực đưa thông tin, tiếp tục phát triển dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến thì cơ hội tiếp cận của DN trên môi trường trực tuyến bị hạn chế, và bị giảm lòng tin của DN với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Minh cho biết.

Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá, có 5 địa phương dẫn đầu về EBI được công bố, trong đó TP.Hồ Chí Minh tiếp tục đứng thứ nhất với 68,4 điểm, tăng 3,9 điểm so với năm trước. Hà Nội xếp thứ hai với 67,9 điểm, mức chênh lệch so với thành phố đứng đầu chỉ là 0,5 điểm. Tiếp đến là Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai với mức điểm không thay đổi so với năm 2012.

Hệ thống Tiêu chuẩn trong giao dịch TMĐT – SafeWeb đã được xây dựng với 5 nguyên tắc bao gồm 32 tiêu chí. Các website TMĐT thuộc phạm vi cấp nhãn tín nhiệm Safe Web bao gồm B2C, sàn giao dịch TMĐT và nhóm mua (Group-on).Việc gắn nhãn tín nhiệm SafeWeb sẽ giúp cho doanh nghiệp TMĐT xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Việc triển khai chương trình này sẽ hỗ trợ lớn cho chỉ số EBI 2014, bởi khi cộng động các website TMĐT nhìn vào các chỉ số sẽ định danh, cảm nhận được ngay tốc độ phát triển, mức độ ứng dụng TMĐT ở nước ta.

Thảo Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo