4 điều kiện giao DN 100% vốn nhà nước cho tập thể người lao động
Theo Nghị định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tập thể người lao động trong doanh nghiệp được xem xét giao doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện.
4 điều kiện trên gồm:
1- Tự nguyện đăng ký nhận giao doanh nghiệp.
2- Cam kết duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm tối thiểu từ 3 năm trở lên kể từ ngày nhận giao doanh nghiệp (trừ trường hợp có thỏa thuận khác với từng cá nhân người lao động), đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3- Kế thừa công nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp sau khi đã xử lý theo các quy định của Nghị định này. Kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
4- Không được bán, cho thuê, tự giải thể doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu là 3 năm sau khi nhận giao, trừ trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Sau khi nhận giao, đại diện tập thể người lao động tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông
Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở) cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động để biểu quyết theo thể thức đa số quá bán việc tự nguyện nhận giao doanh nghiệp; cử người đại diện tiến hành các thủ tục nhận giao doanh nghiệp.
Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành phân loại tài sản, xác định và phân loại công nợ; lập báo cáo tài chính; dự kiến chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp. Căn cứ số liệu trên sổ kế toán, kết quả kiểm kê, phân loại, xử lý tài sản, tài chính và công nợ theo các nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính và công nợ, Giám đốc doanh nghiệp và Ban Đổi mới tại doanh nghiệp lập phương án xác định giá trị doanh nghiệp được giao cho tập thể người lao động. Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp theo dự kiến lớn hơn giá trị phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp thì phải chuyển sang hình thức giải thể, phá sản.
Người được Hội nghị người lao động bầu làm đại diện tổ chức thực hiện lập danh sách kèm theo hồ sơ liên quan của người lao động, phân loại lao động; xây dựng và thông qua phương án nhận giao doanh nghiệp bao gồm cả phương án sản xuất kinh doanh và phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động; thực hiện các điều kiện nhận giao doanh nghiệp; cam kết sử dụng số lao động tự nguyện nhận giao doanh nghiệp.
Hồ sơ xin nhận giao doanh nghiệp được đại diện tập thể người lao động gửi đến Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định giao doanh nghiệp phải xem xét, phê duyệt hồ sơ xin nhận giao doanh nghiệp và ban hành quyết định giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động.
Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức bàn giao doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt cho tập thể người lao động, có sự chứng kiến của đại diện cơ quan có thẩm quyền quyết định giao doanh nghiệp và cơ quan tài chính doanh nghiệp.
Sau khi nhận giao, đại diện tập thể người lao động tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc Đại hội thành viên, tùy theo loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã mà tập thể người lao động nhận giao đã lựa chọn, thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải bao gồm bản sao hợp lệ quyết định giao doanh nghiệp, hợp đồng giao nhận doanh nghiệp và biên bản bàn giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động.
Quyền sở hữu đối với doanh nghiệp sau khi giao
Toàn bộ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sau khi đã được xử lý theo quy định thuộc sở hữu tập thể người lao động và chia thành các cổ phần hoặc các phần vốn góp để giao cho từng người lao động tham gia nhận giao doanh nghiệp.
Mỗi người lao động nhận giao doanh nghiệp được giao quyền sở hữu một phần giá trị tài sản còn lại này bằng cổ phần hoặc phần vốn góp tương ứng với số năm đã làm việc cho khu vực nhà nước; được hưởng cổ tức, phần lợi nhuận; có quyền để thừa kế nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần hoặc phần vốn được giao trong thời hạn 3 năm sau khi nhận giao doanh nghiệp.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo