40% cán bộ Đài PTTH Hà Nội làng nhàng không bỏ được vì "con ông này, cháu bà kia"
Sáng 3/7, phát biểu tại hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, một số đại biểu dành nhiều thời gian phản ánh về chất lượng bằng cấp của cán bộ cơ sở.
Nêu thực tế tại cơ quan mình, ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc đài PTTH Hà Nội chia sẻ, đài này hiện có hơn 719 người (nhiều người nhất trong các đài địa phương), trong đó có hơn 500 biên chế, 200 hợp đồng. Trong 500 biên chế ấy có gần 140 người là cán bộ chủ chốt. Thực tế, chưa có cơ quan truyền thông nào cán bộ chủ chốt nhiều như thế”, ông Phán nói. Ông cũng thông tin, trong hơn 700 người làm tại đài chỉ có khoảng 60% cán bộ đủ năng lực làm việc tốt.
Đi công tác cùng lãnh đạo TP, lãnh đạo đài Hà Nội không dám cử 40% cán bộ yếu kém này. “40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố”, ông Phán nói.
Theo ông Phán ngoài việc “con ông này, cháu bà kia”, những cán bộ này không vi phạm kỷ luật, làm việc thì làng nhàng. “Họ cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”, ông Phán nói và cho biết bình bầu cuối năm cũng toàn tiên tiến, chiến sĩ thi đua, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Những tồn tại trên được ông Phán cho là do lịch sử để lại. Cụ thể là khâu tuyển chọn đầu vào trước đây thấp, nhiều người đào tạo 2 năm không làm được việc. Do vậy, ông Phán đề nghị Thành ủy tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ. Đặc biệt, tuyển chọn đầu vào cán bộ cơ sở cần chặt chẽ hơn nữa. Nếu không sẽ vẫn mở cửa cho một số người “làng nhàng” vào làm việc trong bộ máy hành chính.
Nêu ngay thực tế tại cơ quan mình, theo ông Phán, có những người đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì. “Thạc sĩ có nhưng không làm gì cả, chả có chương trình nào để lại ấn tượng. 3 bằng đại học, rồi cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm gì. Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”, ông Phán nói thêm.
Cùng vấn đề, Bí thư quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải đề xuất, phải đổi mới trong công tác đào tạo. Tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.
Theo ông Hải, cán bộ, công chức đi học về để phục vụ chính việc đang làm chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình hoành tráng hơn. Như vậy không giải quyết được vấn đề gì.
Ông Đỗ Mạnh Hải cho rằng, không phải cứ có bằng cấp là cán bộ, công chức đáp ứng được công việc. Vì vậy, cần có biện pháp đánh giá cán bộ, công chức sau khi đi học về. Nếu không đáp ứng được công việc thì phải điều chỉnh. “Không học mà đáp ứng được công việc thì tốt hơn là đi học mà không làm được việc. Bởi đáp số cuối cùng vẫn phải là cán bộ, công chức có đáp ứng được vị trí việc làm hay không”, ông Hải nói.
Ngoài ra, theo ông Hải, bên cạnh học chuyên môn, nghiệp vụ, quận Long Biên cũng rất quan tâm đến việc cán bộ, công chức đi học các kỹ năng, đặc biệt là những vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, tổ chức, doanh nghiệp…
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế mang tính chủ quan như mối quan hệ công tác trong nội bộ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ; sức ỳ của cán bộ, công chức, viên chức còn lớn, một số người vẫn còn tư tưởng bao cấp nặng nề.
“Trước bối cảnh như vậy, các cấp lãnh đạo thành phố đã chủ động đổi mới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra với tinh thần khẩn trương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; ưu tiên giải quyết những việc nóng, hạn chế, yếu kém. Nhờ đó, thành phố đã có những bước tiến trên các lĩnh vực như: Chỉ số cải cách hành chính vươn từ vị trí 9/63 tỉnh, thành phố lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong vòng hơn 2 năm”, ông Chung nói.
Theo phát biểu kết luận hội nghị của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã có nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác. Trong đó, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Ông Hải yêu cầu cán bộ, công chức Hà Nội cần thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, khuyết điểm như chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử; tính gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Giải pháp năng lượng xanh cho Đồng bằng sông Cửu Long
Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện đề án Khu thương mại tự do trình Chính phủ