Tin tức - Sự kiện

40% mũ bảo hiểm trên thị trường đạt tiêu chuẩn

Ngày 27/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

 

Chỉ 40% mũ bảo hiểm trên thị trường đạt tiêu chuẩn. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 04, trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm đã từng bước được tăng cường. Các doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng và thực hiện tốt hơn các quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Hiện tượng bày, bán công khai các loại mũ nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã giảm. 

Tuy nhiên, hiện nay một số loại mũ không phải là mũ bảo hiểm có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm vẫn được bày bán đan xen tại các cơ sở kinh doanh, được người bán hàng gọi hoặc ghi nhãn là mũ thời trang, mũ cho người đi xe đạp, đi bộ, chơi thể thao....thậm chí ghi rõ “không phải là mũ bảo hiểm”. Do những loại mũ này không phải là mũ bảo hiểm, không có chế tài xử lý về quy chuẩn kỹ thuật nên các cơ quan chức năng không xử lý như trường hợp kinh doanh mũ bảo hiểm nhập lậu, giả hoặc kém chất lượng được. Thực tế, khi quan sát người tham gia giao thông có thể nhận thấy một bộ phận người dân vẫn sử dụng các loại mũ này.
 
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện cả nước có khoảng trên 85 cơ sở sản xuất và nhập khẩu mũ bảo hiểm. Trong số các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm hiện nay, số doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn chỉnh không quá 10 doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về lắp ráp, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ. 
 
Đặc biệt, một số hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn kinh doanh mũ bảo hiểm có gắn tem hợp quy CR giả, gắn nhãn giả mạo thông tin về đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm có xuất xứ từ nước ngoài nhưng chưa được chứng nhận hợp quy; sản xuất, kinh doanh loại mũ không phải mũ bảo hiểm. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là rất khó khăn.
 
Kết quả kiểm tra thử nghiệm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chỉ 19/44 (chiếm hơn 40%) mẫu mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, 25/44 (chiếm gần 60%) mẫu thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
 
Kiến nghị về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rẳng: Cần triển khai công tác giám sát, kiểm định chất lượng định kỳ thường xuyên đối với các loại mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường; bố trí trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng mũ bảo hiểm để ngăn chặn các loại mũ bảo hiểm nhập lậu, mũ bảo hiểm giả, không bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông cần kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện, đồng thời giải thích, nhắc nhở, xử phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm như hành vi không đội mũ bảo hiểm./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo