Tin tức - Sự kiện

49 lãnh đạo cao nhất của Nhà nước được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ bố trí nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao trong kỳ họp Quốc hội thứ 5 (tháng 5/2013).

Cụ thể, Quốc hội sẽ lấy phiếu đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Tổng cộng có 49 lãnh đạo cao nhất của nhà nước được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.


Theo dự kiến chương trình, nội dung chuẩn bị cho kỳ họp tới, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được bố trí thời lượng 1 buổi làm việc của Quốc hội (0,5 ngày). Tuy nhiên, do việc lấy phiếu phải thực hiện quy trình, thủ tục qua nhiều bước nên nội dung này sẽ được bố trí xen kẽ với các nội dung khác của kỳ họp.
 
Quy trình lấy phiếu theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi báo cáo của người được lấy phiếu và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung uơng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Kết quả lấy phiếu sẽ được công bố công khai ngay sau đó.


Ngoài nội dung này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến lần 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp và 8 dự án luật khác (tổng thời lượng khoảng 15 ngày làm việc). 2,5 ngày vẫn là thời lượng cố định dành cho phiên chất vấn, 2 ngày cho việc xem xét báo cáo kinh tế xã hội nửa đầu năm 2013, 1 ngày cho hoạt động giám sát chuyên đề về việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản 6 năm qua (2006 – 2012).
 
Kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới.

 

Như Trâm (Theo Dân trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo