Chứng khoán

5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/2

Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 24/2 của các Công ty chứng khoán.

1- CNG: P/E đang giao dịch ở mức khá thấp

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
 
CTCP CNG Việt Nam (CNG – sàn HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2013. Trong đó, lợi nhuận năm 2013 tăng chậm hơn doanh thu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp và chi phí hoạt động tăng.
 
Doanh thu 2013 tăng 18,5% so với cùng kỳ, đạt 949,8 tỷ đồng chủ yếu là do sản lượng tăng 17% so với cùng kỳ đạt 61,9 triệu m3, giá bán bình quân tăng khoảng 1,5%.Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ đạt 124,9 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ, chậm hơn doanh thu.
 
Điều này chủ yếu do giá khí đầu ra tăng chậm hơn đáng kể so với giá khí đầu vào đã khiến cho biên lợi nhuận gộp 2013 giảm xuống còn 21,6% từ mức 23,1% năm 2012. Ngoài ra, chi phí hoạt động của CNG tăng đáng kể trong năm 2013, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu tăng từ 5,8% năm 2012 lên 7,4% năm 2013.
 
Tiền mặt ròng tăng mạnh do CNG đang tạm dừng các dự án mở rộng công suất. Đến cuối năm 2013, CNG duy trì vị thế tiền mặt ròng ở mức 185 tỷ đồng, tăng 17,7 lần so với cuối năm 2012. CNG đang tạm thời tạm thời dừng các dự án mở rộng như Nhơn Trạch, Hiệp Phước và Thái Bình do khó khăn chung của nền kinh tế khiến đa số khách hàng của CNG là các công ty xây dựng vẫn đang hoạt động cầm chừng trong năm 2013.
 
 
Nghị quyết hội đồng quản trị CNG vừa thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm 2014 với doanh thu ước đạt 1.016 tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với thực hiện 2013. Trong đó, CNG đặt kế hoạch tiêu thụ 70 triệu m3 khí (tương ứng với 100% công suất) trong năm 2014, tăng 13% so với 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 2014 ước chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 11% so với thực hiện 2013.
 
Chúng tôi cho rằng, kế hoạch 2014 của CNG khá thận trọng do chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng CNG sẽ cải thiện cùng với sự hồi phục chung của nền kinh tế trong năm 2014.
 
CNG đặt mục tiêu cổ tức 35% (3.500 đồng/cp) cho năm 2014, lợi tức cổ tức tương ứng là 7,8%. Chúng tôi cho rằng, mục tiêu cổ tức là khả thi do CNG đang có lượng tiền và tương đương tiền khá lớn là gần 250 tỷ đồng, tương đương 9.300 đồng/cp và tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) hợp lý ở mức khoảng 75%. CNG đang được giao dịch tại P/E là 9,5 lần, vẫn thấp hơn trung bình ngành 12,8x.
 
2- SSC: Giá mục tiêu chưa thực sự hấp dẫn
 
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
 
CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC – sàn HOSE) vừa mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất (chưa kiểm toán) IV/2013, trong đó doanh thu quý IV/2013 đạt 146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.9 tỷ. Tổng cộng cả năm doanh thu SSC đạt 606 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ, tăng trưởng 15.7% so với cùng kỳ.
 
Dự phóng kết quả kinh doanh của SSC trong 2014 được đưa ra dựa trên những giả định sau:
 
+ SSC tiếp tục phân phối cho Monsanto trong năm 2014 với sản lượng 1,600 tấn giảm 22% so với 2013 do Monsanto sẽ ngưng phân phối 1 giống bắp tại Việt Nam. Dự kiến doanh thu từ mảng phân phối này đạt 160 tỷ.
 
+ Doanh thu từ bắp tự sản xuất của SSC trong năm 2013 là 115 tỷ. Trong năm 2014, SSC tăng sản lượng tiêu thụ lên 16%, do đó doanh thu trong năm 2014 được kỳ vọng ở mức 134 tỷ đồng.
 
+ Trong năm 2014, SSC dự định mua lại giống bắp mà Monsanto ngừng phân phối tại Việt Nam. Giả định sản lượng tiêu thụ vẫn giữ vững như năm 2013, doanh thu từ giống này dự kiến đạt 60,5 tỷ đồng.
 
+ Doanh thu từ lúa không thay đổi 179 tỷ đồng.
 
+ Doanh thu từ rau, đậu là 54,5 tỷ đồng.
 
+ Doanh thu vật tư nông nghiệp và doanh thu khác là 92,2 tỷ đồng.
 
Với những giả định trên, doanh thu của SSC trong năm 2014 được kỳ vọng ở mức 680 tỷ đồng, tăng trưởng 12% trong năm 2014. Tuy nhiên, trong trường hợp SSC thất bại trong việc mua lại bản quyền giống, doanh thu 2014 chỉ còn 619 tỷ, tăng nhẹ 2,1% so với 2013.
 
Tăng trưởng trong năm 2014 của SSC sẽ phụ thuộc nhiều vào việc phân phối cho Monsanto và đặc biệt là sự thành công trong việc mua bản quyền hạt giống bắp từ Monsanto.
 
SSC vẫn được kỳ vọng nhiều dựa vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu mới, dự án rau và khoản lợi nhuận bất thường đến từ dự án BĐS. Tuy nhiên, giá mục tiêu của SSC theo phương pháp định giá của chúng tôi (không tính đến lợi nhuận bất thường nếu có) vẫn chưa thực sự hấp dẫn so với giá đang giao dịch, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị Trung Lập đối với cổ phiếu này cho tới khi có những bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện dự án BĐS với đối tác.
 
3- KBC: Giảm từ khuyến nghị MUA xuống NẮM GIỮ
 
(CTCK Sài Gòn - SSI)
 
Theo báo cáo tài chính của Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC - sàn HOSE) và công văn đính chính ngày 17/2, trong năm 2013, KBC đạt doanh thu 1.082,22 tỷ đồng (+285% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 82 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 436 tỷ đồng năm 2012.
 
Do vậy, vào cuối năm 2013, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm và thoát khỏi 2 năm lỗ liên tiếp.
 
Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng công ty sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2014 với tỷ lệ nợ cao và tiền mặt hạn chế.
 
Kể từ khuyến nghị MUA vào ngày 6/9/2013, giá cổ phiếu KBC đã tăng 65%, hiện tại chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu với giá mục tiêu 14.477 đồng/cổ phiếu, tương ứng PB 1,1x.
 
4- PET: Khuyến nghị NẮM GIỮ
 
(CTCK Sài Gòn - SSI)
 
Trong năm 2013, Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET - sàn HOSE) đạt doanh thu và lợi nhuận ròng 11.517 tỷ đồng và 159 tỷ đồng.
 
Mặc dù doanh thu tăng 13,4% so với năm trước, lợi nhuận ròng giảm 15% do bị truy thu thuế và lợi ích thuộc cổ đông thiểu số cao do PET giảm 10% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD) trong năm 2013.
 
Chúng tôi dự kiến PET sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế 13.370 tỷ đồng và 328,7 tỷ đồng trong năm 2014, tăng 16% và 17% so với năm trước, tương ứng EPS 3.035 đồng.
 
Tại mức giá hiện tại 23.700 đồng/cổ phiếu, PET đang được giao dịch với PE 2014 là 7,5x. Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm cho PET lên 24.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 7%. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu PET.
 
5- VCF: Phù hợp với nhà đầu tư dài hạn
 
(CTCK Sài Gòn - SSI)
 
Trong năm 2013, doanh thu thuần của CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF - sàn HOSE) tăng 8,7% so với năm trước do cầu yếu, lợi nhuận ròng năm 2013 đạt 260 tỷ đồng, giảm 12,7% so với năm trước do cải thiện về tỷ suất lợi nhuận gộp không đủ bù đắp cho chi phí bán hàng cao.
 
Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2014 sẽ tăng 10,2% so với năm trƣớc lên 2.538 tỷ đồng khi cầu tiêu dùng băt đầu phục hồi. Lợi nhuận ròng dự báo tăng 20,8% so với năm trước nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tăng như đã đề cập ở trên (2014: 32,1%) mặc dù chi phí bán hàng dự kiến sẽ tăng mạnh.
 
Tại mức giá 157.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/2/2014, VCF đang được giao dịch với PE 2014 là 13,3x, chúng tôi cho rằng đây là định giá hợp lý với một nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, thanh khoản của VCF rất thấp, do đó, chúng tôi cho rằng VCF chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn và đầu tư vào cơ bản.
Theo ĐTCK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo