Thị trường

50% vụ buôn lậu có bóng dáng hải quan

(DNVN) - Đây là thông tin được Phó giám đốc Công an TP. HCM Phan Anh Minh đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP. HCM tổ chức chiều 8/3.

Theo tin tức trên báo VnExpress, tại hội nghị, với tư cách là người va chạm án tham nhũng nhiều nhất trong lực lượng công an thành phố, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng phát hiện chống tham nhũng không thể nói ít hay nhiều.

"Sự đánh giá đó là cảm tính và phỏng đoán, bản chất án tham nhũng là án tiềm ẩn, những bản án nào điều tra được 80% là thành công ngoài mong đợi", ông Minh nói và nhận định những án tham nhũng sau thường thiệt hại lớn hơn vụ trước, thậm chí lớn hơn rất nhiều, hơn nữa, khả năng phát hiện rất chậm. Có những hành vi xảy ra 3 năm, có khi 5, 10 năm mới phát hiện nên việc thu hồi tài sản rất khó, tẩu tán tài sản kinh khủng.

Theo tướng Minh, phòng chống tham nhũng hiện nay chưa đạt yêu cầu. Ban Nội chính Thành ủy yêu cầu Công an thành phố giải trình vì sao án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện qua trinh sát ít. "Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác", ông Minh thẳng thắn.

Phó giám đốc Công an TP. HCM, thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại Hội nghị . Ảnh: Zing.vn.

Phó giám đốc Công an thành phố cũng cho hay, những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng. Một số biện pháp là ảo, ví dụ như việc kê khai tài sản. Ông dẫn chứng từ cơ quan mình có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản "nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất", có đúng không, hợp lý không thì không ai biết.

"Phải dần công khai minh bạch, cấp cán bộ quản lý phải có kết luận kê khai hàng năm có phù hợp hay không, nếu có những bất hợp lý phải yêu cầu bổ sung nguồn gốc, thu nhập... thậm chí phải có chế tài, xử lý", ông Minh đề nghị và cho rằng việc kê khai tài sản phải đảm bảo là dự liệu để phòng chống tham nhũng chứ bản kê khai để hộc bàn không có ý nghĩa gì cả.

Theo tướng Minh, hiện có 5 lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn, trong đó đứng đầu là lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, 50% vụ buôn lậu tại TP. HCM đằng sau là bóng dáng của nhân viên hải quan. Ngành tài chính ngân hàng cũng đang tiềm ẩn một số vụ án có thể khởi tố, vấn đề còn lại là lượng giá tác động của nó đối với ngành tài chính. "Nước ta hiện có dấu hiệu tư bản tài chính lũng đoạn, có thể lũng đoạn tới một bộ phận quản lý", ông Minh đánh giá.

Dù đã xử lý nhiều vụ án nhưng ông Minh cho rằng không nên tự hào, vì việc xử lý rất chậm. Trong các loại án bị trả điều tra, điều tra bổ sung, án tham nhũng đứng đầu. Thậm chí có những vụ án bị điều tra bổ sung 3-4 lần, tỷ lệ hủy cũng nhiều. "Sở dĩ có tình trạng này là cán bộ tiến hành tố tụng ở các cấp rất thận trọng và cầu toàn khi đối đầu với người tham nhũng", ông lý giải.

Theo ông Minh, ở thành phố còn vướng thêm là ở tòa án và viện kiểm sát cơ chế ủy quyền công tố. Tức là toàn bộ quá trình điều tra là của trung ương, cơ quan khác làm rồi phát chuyển về để thành phố xử. Trong khi hồ sơ các vụ án đó dưới 20.000 trang là quá ít, chứ thường là vài trăm nghìn trang thì không có hội đồng xét xử nào có thể nghiên cứu trong 2 tháng để đưa ra xét xử.

 

Bảo vệ người tố cáo thì mới chống được tham nhũng

Theo tin tức trên báo Zing.vn, tại Hội nghị, ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP. HCM, thông tin, năm 2015 qua công tác thanh tra, Ban đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ án tham nhũng. TAND các cấp đưa ra xét xử 25 vụ án tham nhũng với 105 bị cáo, trong đó có một vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội, dư luận quan tâm.

Ông Dương Hồng Hải, Phó viện trưởng VKSND TP. HCM, cho hay, trong năm vừa qua có những vụ án tham nhũng hậu quả nghiêm trọng. Như vụ án Lê Dũng và đồng bọn chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền hơn 100 tỷ. Tổng số thiệt hại 4 vụ trên 2.000 tỷ.

Cũng theo ông Hồng Hải, dự báo năm 2016, án tham nhũng rất đông bị can, khối lượng hồ sơ, tình tiết vụ án rất lớn, dẫn đến nhiều vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tham nhũng phụ thuộc vào công tác giám định kéo dài. Đến 1/7/2016, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ giúp cho công tác xét xử, đấu tranh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng hiện nay vẫn còn hạn chế trong khi tội phạm lại tinh vi hơn. Sự phối hợp các cơ quan trong phòng chống còn bất cập. Sức mạnh hệ thống chính trị, nhân dân chưa phát huy hết.

 

Chia sẻ với với hội nghị, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân, cơ quan và địa phương mình. Người đứng đầu phải gương mẫu, và chịu trách nhiệm nếu cán bộ dưới quyền vi phạm.

"Phải làm quyết liệt và bảo vệ người tố cáo, khi ấy mới đẩy lùi được vấn nạn tham nhũng”, ông Thăng nhấn mạnh. Ngoài ra, người đứng đầu đảng bộ TP HCM cũng yêu cầu Sở Tài chính công khai minh bạch thu chi của TP cho người dân biết, giám sát. 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo