Thị trường

500 triệu đô nhập hạt giống: Dại gì mua hàng Việt Nam!?

Trong khi nước ngoài vào Việt Nam đầu tư trung tâm sản xuất giống thì Bộ Nông nghiệp, tư nhân chỉ thích ăn xổi, thành ra lệ thuộc nước ngoài.

Chuyên môn kém lại thích ăn xổi!

GS.TS Võ Tòng Xuân không hề ngạc nhiên trước con số mà Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa công bố: năm 2013 Việt Nam chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu hơn 8.000 tấn hạt giống các loại nhằm cung ứng cho 700.000 ha sản xuất rau của cả nước. Ngay cả những loại hạt giống rau có thể sản xuất trong nước như củ cải, cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào, hạt rau mầm... cũng phải nhập khẩu.

Ngoài ra, ông chỉ rõ, dù Việt Nam có hẳn một chương trình giống quốc gia được chính phủ cho phép thực hiện trong 20 năm với vốn đầu tư không hạn chế. Tính đến năm 2010 vốn rót cho chương trình đã khoảng 20.000 tỷ đồng, gồm cả vốn TƯ và địa phương.

Tương tự, Việt Nam cũng có hẳn dự án phát triển giống lúa lai được thực hiện từ năm 2003 với hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng Việt Nam vẫn phải chi tiền để nhập khẩu hạt giống. Theo ông, việc này chẳng có gì lạ, thậm chí con số 500 triệu USD cũng chẳng to tát gì.

Việt Nam chi 500 triệu USD để nhập khẩu các loại hạt giống mỗi năm
 

"Hạt giống là sản phẩm đặc biệt, rất nhiều loại hạt giống Việt Nam không tập trung nghiên cứu sản xuất được mà bị lệ thuộc vào nước ngoài. Dù là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng nhập khẩu tới 70% giống lúa lai từ Trung Quốc đó thôi. Việt Nam không chịu làm ấy là do chủ trương dở, Bộ Nông nghiệp không chịu đầu tư, thành ra những người nghiên cứu giống không đủ kinh phí làm, để các công ty nhập giống từ Trung Quốc về kiếm lời.
 
Hạt giống rau cải cũng vậy, lẽ ra phải có các trung tâm nghiên cứu rồi nhân ra. Hà Lan vào Đà Lạt đầu tư mấy trung tâm sản xuất giống trong khi từ Bộ tới tư nhân chỉ thích ăn xổi ở thì thành ra lệ thuộc vào nước ngoài", GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Theo GS Võ Tòng Xuân, ở miền nam, nhiều địa phương bỏ tiền để đặt hàng các nhà khoa học tạo ra giống mới. Họ không cần nhiều kinh phí mà vẫn sản xuất được hạt giống. Ông lấy dẫn chứng tỉnh An Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu... Cũng tại đây, chỉ riêng một huyện như huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) sẵn sàng chi cả tỉ đồng cho các nhà lai tạo giống lúa ở Đại học Cần Thơ nghiên cứu ra giống lúa chịu mặn.

"Việt Nam có nhiều cơ quan nghiên cứu giống nhưng không phải tất cả đều tốt. Có một thực tế là nhiều nhà khoa học có thể làm rất tốt nhưng lại không có kinh phí, trái lại những người giành được kinh phí lại không thể làm ra hạt giống. Trình độ công nghệ kém thì việc nhập khẩu hạt giống là đương nhiên, coi như đó là học phí để học hỏi cách làm của nước ngoài".

Đặc biệt, một lý do quan trọng khiến Việt Nam phải nhập khẩu giống, theo GS Xuân, đó là có lợi ích nhóm chi phối, các công ty nhập khẩu chỉ chăm chăm kiếm lời nên không bận tâm đến việc nghiên cứu giống.

Dại gì mua hàng...Việt Nam?

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 80% thị phần giống cây trồng ở Việt Nam nhưng theo GS Võ Tòng Xuân không thể sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm nhập bởi có muốn cũng chẳng cấm được! Nếu ra lệnh cấm thì Việt Nam sẽ vi phạm hiệp định WTO, tới đây là các hiệp định AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN), AEC (cộng đồng kinh tế ASEAN), mà cấm rồi thì không có hàng để dùng!

GS.TS Võ Tòng Xuân
 

"Hãy chỉ cấm khi nào Việt Nam sản xuất được và có hàng tốt. Cứ nói người Việt dùng hàng Việt là nói chơi chơi vậy thôi, còn dại gì mua hàng Việt Nam lại là hàng xấu, nuôi làm sao nổi mấy doanh nghiệp làm biếng, làm xấu mãi", GS Võ Tòng Xuân nói.

Theo ông, muốn giảm nhập khẩu hạt giống, bớt lệ thuộc nước ngoài, Việt Nam phải có những doanh nghiệp đứng ra sử dụng người tài, trả lương cao cho họ làm để làm ra giống, sản phẩm trong nước đang cần, từ đó mới cạnh tranh được với nước ngoài. Khi đó, giống nước ngoài nhập vào Việt Nam cũng chẳng bán được vì Việt Nam đã giống tốt hơn, giá rẻ hơn.

GS Võ Tòng Xuân lấy ví dụ về tập đoàn CP, một trong những tập đoàn mạnh nhất Thái Lan trong lĩnh vực công-nông nghiệp. Riêng đối với chăn nuôi, tập đoàn CP chiếm lĩnh hết thị trường thế giới đến Việt Nam, từ con giống tới thức ăn. "Người chăn nuôi chẳng dại gì mà mua thức ăn của Việt Nam bởi ăn 5-6kg thức ăn mà gà, lợn chỉ tăng được 1kg, trong khi thức ăn của Thái Lan chỉ cần ăn 2kg đã tăng được 2kg".

Sở dĩ CP Thái Lan làm được như vậy là do họ có trung tâm nghiên cứu rất lớn bên ngoài Bangkok.

"Năm 1983-1984 tôi sang Thái Lan có được thăm tập đoàn CP. Nguyên một viện của họ đã thuê hơn 30 nhà khoa học quốc tế, trả lương 10.000 USD mỗi tháng, thúc đẩy các nhà khoa học nỗ lực làm để có công thức thức ăn tốt nhất. Việt Nam không có doanh nghiệp nào sẵn sàng bỏ tiền ra nghiên cứu như vậy. Họ cứ nằm chờ các nhà khoa học ở các viện, các trường, mà ở đó thì người ta xâu xé tiền dành cho nghiên cứu. Thành ra Việt Nam không có được sản phẩm trong nước cạnh tranh được với nước ngoài, không thể tự túc phát triển nông nghiệp, bị lệ thuộc vào nước ngoài cả giống, vật tư nông nghiệp đến các quy trình...".

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam không có doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Nhà nước phải tạo điều kiện bằng chính sách về kinh phí, thuế má để nhà khoa học có thể thoải mái nghiên cứu, doanh nghiệp thoải mái đầu tư thiết bị tối tân để chế biến, thể nông dân, trang trại có điều kiện đầu tư hạ tầng sản xuất tốt nguyên liệu.

"Cái chính là phải có doanh nghiệp có tài kinh doanh, biết nắm bắt thị trường trong và ngoài nước, từ đó xâu mối nông dân, nhà khoa học, đề nghị chính sách nhà nước ưu đãi...

Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp như thế nhưng lại thừa những kẻ cơ hội, những doanh nghiệp như các Tổng công ty lương thực. Họ không nắm được thị trường, không có cách tăng cao chất lượng, uy tín cho gạo Việt Nam. Họ ưu đãi cho thương lái mang gạo về cho mình, dù gạo đó trộn đủ thứ. Họ qua Philippines bán gạo, bỏ thầu với giá thật thấp khiến nông dân lỗ chỏng gọn.

Còn những doanh nghiệp cỏn con bán đường dài cũng chỉ cần mang gạo xấu bán tiểu ngạch ở biên giới cho Trung Quốc, không được giá bao nhiêu cũng chẳng có thương hiệu gì. Như thế, chẳng bao giờ kinh tế Việt Nam khá lên được", GS Võ Tòng Xuân nói.

Theo Đất Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo