500 triệu USD nhập hạt giống: Việt Nam "lười" từ... chuyện nhỏ
Cà chua Việt gốc Đài ngọn Mỹ
GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, hiện loại hạt giống Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là rau khi hầu hết các giống rau Việt Nam đều phải nhập. Tuy số lượng nhập khẩu lớn nhưng giá trị khoảng chừng 60-70 triệu USD/năm. Đứng thứ hai là ngô lai với 90% giống nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam đang phải nhập khẩu gần 80% giống lúa lai.
Trong mạng lưới nhập khẩu hạt giống hiện nay trên thế giới, tổng giá trị mỗi năm khoảng 70 tỷ USD thì riêng 6 đại gia: Monsanto, Syngenta, Bayer, Agrosciences, DuPont, BASF đã chiếm 50 tỷ USD.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều bị phụ thuộc vào nguồn hạt giống nước ngoài. Ngay cả những nước như Brazil, Argentina, khi làm ngô lai chuyển gene, các công ty trong nước đều bị phá sản.
"Đó là hình ảnh cho Việt Nam sắp tới khi các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn", ông Bửu nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam dẫn chứng, mặc dù giống ngô của Việt Nam bán khoảng 40.000 đồng/kg nhưng không đưa marketing, khuyến nông vào giá thành trong khi nước ngoài đưa các yếu tố này vào giá và bán 90.000-100.000 đồng/kg mà vẫn có người mua. Đó là vì mỗi đại lý bán được hàng thì có tiền thưởng, họ lại cho nông dân nợ 4-5 tháng, nông dân bắt buộc phải mua giống của công ty thì họ mới mua lại ngô làm thức ăn gia súc.
"Điều này cho thấy nước ngoài có nhiều chiêu marketing mà Việt Nam không cạnh tranh lại được. Các công ty của Việt Nam tách bạch các khâu giống ra giống, thức ăn gia súc ra thức ăn gia súc chứ không thành tập đoàn như nước ngoài".
Đặc biệt, có những loại giống trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được như bầu bí, dưa leo, đậu bắp, khổ qua... nhưng Việt Nam vẫn phải nhập.
"Ngay như giống cà chua có gì khó đâu nhưng chúng ta không chịu làm. Vì thế cây cà chua gốc ghép là của Việt Nam, còn mắt ghép là của Mỹ. Mắt thì cho năng suất cao, kháng được bệnh, còn gốc toàn là gốc bệnh. Mà nói công bằng, gốc cũng chẳng phải của Việt Nam mà là của Đài Loan, nhưng Việt Nam làm đã lâu và tự sản xuất được nên coi như là của Việt Nam".
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Việt Nam thua hẳn nước ngoài về kinh doanh hạt giống. Ông dẫn bài học của Brazil. Trong khi các công ty Argentina phá sản thì các doanh nghiệp kinh doanh hạt giống của nước này lại sống được vì Brazil làm mạnh hợp tác, nhất là luật về giống.
"Những đạo luật của chính phủ Brazil hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước nên quyền của những đại gia giống nước ngoài như Monsanto dù có nhưng không mạnh", GS Bửu phân tích.
"Còn ở Việt Nam không có gì hết. Chúng ta cứ hô hào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu tương nhưng không có công ty nào cung cấp được hạt giống đậu tương. Đậu tương tồn trữ rất khó, người nông dân không để giống được vì đậu tương có dầu, không tồn trữ được quá 1 tháng. Chỉ có những công ty lớn có phương tiện hiện đại mới để được đậu tương nhưng Việt Nam lại không đầu tư về kho, cơ sở vật chất".
Bản thân đã có nhiều năm đứng trên bục giảng nhưng GS.TS Bùi Chí Bửu lấy làm buồn vì ngành công nghệ hạt giống không được coi môn học chính trong các trường đại học. Ở những nước làm chính sách giỏi như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đan Mạch, ngành công nghệ hạt giống được hẳn một khoa, trong khi đó tại Việt Nam, môn học sinh lí và tồn trữ hạt giống chỉ chiếm 3-4 tiết trong các tiết chọn giống cây trồng.
Nhà khoa học làm thuê cho nước ngoài vì thiếu tiền
GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết, tổng vốn đầu tư cho khoa học nông nghiệp khoảng 600 tỷ đồng/năm, trong đó 300 tỷ đồng (tương đương khoảng 15 triệu USD) dành trả lương cho cán bộ.
So với một số nước trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan mỗi năm họ dành ra 11 triệu USD, Đài Loan 120 triệu USD, viện Lúa quốc tế 80 triệu USD, chương trình lúa lai của Trung Quốc cũng ngốn hết 50 triệu USD, hay một nước nghèo như Philippines cũng chi 7 triệu USD cho nghiên cứu lai tạo giống lúa… thì số tiền của Việt Nam quả thật chẳng bõ bèn gì.
"Cứ nói giáo dục, khoa học là quan trọng, then chốt nhưng so với các ngành khác, đầu tư cho khoa học nông nghiệp rất kém. Ngay trong 300 tỷ đồng đầu tư cho khoa học nông nghiệp (sau khi đã trừ lương - PV), miền Nam mỗi năm cũng chỉ được 80-90 tỷ đồng, trong khi đây là vùng sản xuất hàng hóa lớn. Cả miền Nam chưa có phòng thí nghiệm trọng điểm nào về gen, chỉ có phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ tế bào. Trong khi đó, miền Bắc có hàng loạt việc chăn nuôi, trồng trọt...", ông Bửu thẳng thắn.
Nguyên viện trưởng Viện Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng chỉ rõ, có những đề tài 40% kinh phí dùng để nghiên cứu thực sự, còn 60% là rơi rớt dọc đường do phong bì, chung chi cho các hội đồng. "Rõ ràng tiêu tiền nhà nước nhiều mà không hiệu quả".
Theo ông Bửu, Việt Nam chưa quen với việc doanh nghiệp hợp tác với viện nghiên cứu. Các trường, các viện nghiên cứu chỉ làm ra giống tác giả (giống siêu nguyên chủng) và giống nguyên chủng. Còn đến giai đoạn đoạn sau - giai đoạn khoa học, công nghệ, phải đầu tư lớn về kho vựa, mạng lưới... thì đó là việc của các công ty lớn. Doanh nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học không gắn với nhau. Doanh nghiệp chỉ làm những gì có lợi, còn cái gì tốn công, cạnh tranh bất lợi là họ không làm nên trở thành người buôn bán lẻ và đi gia công cho nước ngoài.
"Ở các nước, các công ty có viện nghiên cứu riêng nhưng Việt Nam thì không. Ngân sách ngày càng kiệt quệ, các viện nghiên cứu không có tiền, nhà khoa học buộc phải đi làm mướn cho công ty nước ngoài. Bản thân các đề tài của tôi làm được đều là nhờ nước ngoài bởi tiền nhà nước cấp không đủ, phải xin dự án quốc tế, họ cho bao nhiêu làm bấy nhiêu. Họ cho không mình hóa chất, nguyên liệu... chứ không cho tiền vì Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình. Xin hợp tác quốc tế bây giờ khó hơn trước rất nhiều, hai bên đều phải sòng phẳng, nhưng mình vẫn có lợi vì được tiếp cận với cái mới", ông Bửu chia sẻ.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, hiện tư duy chỉ đạo trong nông nghiệp là tư duy số lượng, trong khi tư duy chất lượng rất chậm chạp. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm động tác nhập khẩu về rồi bán để hưởng chênh lệch giá thay vì đầu tư lâu dài. Cho nên Việt Nam vẫn phải lệ thuộc vào nguồn hạt giống nhập khẩu trong một thời gian dài nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm