6 câu hỏi lớn về việc trục vớt MH370 dưới đáy đại dương
1. Làm sao xác định được vị trí máy bay bị rơi?
Nhiệm vụ đầu tiên của các nhà tìm kiếm là phải nhận dạng được bất kỳ mảnh vỡ nào thuộc về MH370. Song theo chuyên gia Alain Bouillard, người từng dẫn đầu cuộc điều tra máy bay Air France 447 bị rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, cho biết công việc này không cẩn thận sẽ dẫn tới những sai lầm “bực bội”.
”Các vùng biển và đại dương là những thùng rác thực sự mà ở đấy chúng ta tìm thấy vô số thứ. Chúng tôi đã tìm thấy gỗ và các mảnh vỡ trên các bãi biển mà không hề có gắn kết gì với các vụ tai nạn. Vì thế hôm nay trước hết chúng tôi phải nhận dạng được các mảnh vỡ”, ông Alain Bouillard nói.
Bước tiếp theo là phải nghiên cứu các dòng chảy và gió trong khu vực biển để lần lại ra vị trí ban đầu của các bộ phận và các mảnh vỡ, từ đó có thể xác định được vị trí máy bay gặp nạn.
2. Làm thế nào tìm thấy xác máy bay?
Ngay cả khi phát hiện ra các mảnh vỡ thì một nhiệm vụ khổng lồ đang chờ đợi các nhà điều tra trong việc định vị xác máy bay hoặc là các hộp đen của máy bay. Trong vụ tai nạn Air France, vị trí chính xác của chiếc máy bay đã được biết đến chỉ 5 phút trước khi vụ tai nạn, cho phép các nhóm thu hẹp khu vực tìm kiếm chỉ dài khoảng 75 km. Nhưng sau đó, nhóm điều tra cũng phải mất tới 23 tháng để tìm ra phần chính của máy bay và hộp đen dưới đáy biển.
Để tìm ra, nhóm điều tra đã sử dụng hai hệ thống định vị Towed Pinger Locators được trang bị phía sau một chiếc tàu cho chạy với tốc độ chậm. Những hệ thống này có khả năng nhạy cảm âm thanh cực cao để có thể nghe thấy tín hiệu phát ra từ hộp đen máy bay ở độ sâu khoảng 6.100 mét.
Nhưng vấn đề ở chỗ, hộp đen chỉ có thể phát ra tín hiệu khẩn cấp trong vòng 30 ngày, sau đó nó sẽ yếu dần và tắt hẳn. Nếu hệ thống định vị không phát hiện ra hộp đen, việc săn tìm xác tàu sẽ cần tới hệ thống quét sonar, các xe robot điều khiển từ xa (Remotely Operated vehicles-ROV).
Những thiết bị không người lái dưới nước này có thể quét một khu vực rộng lớn dưới đáy biển để tìm ra các vật bằng kim loại và có thể di chuyển lên xuống dưới lòng biển trong khoảng rộng trên dưới 100 mét.
3. Mảnh vỡ hoặc xác máy bay có mang đến các bằng chứng thuyết phục về những gì đã xảy ra?
Tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của máy bay có thể giúp các nhà điều tra tái tạo lại một mô hình về chuyến bay nhưng có thể đem tới những sai lầm. Chẳng hạn như trường hợp của máy bay AF447, tất cả các mảnh vỡ máy bay được hồi phục trong vài ngày đầu tiên đã được đem trở lại Pháp để tạo ra cấu hình máy bay.
“Cấu hình cho phép chúng tôi tìm ra, đến cuối năm 2009, máy bay đã không bị nổ tung trên không trung, vì nó không hề có bất kỳ hiện tượng tăng áp suất mà nó lao xuống biển theo hướng tam giác với mũi máy bay hơi hếch lên trên”, chuyên gia Boullard cho biết.
Tuy nhiên, các mảnh vỡ không có khả năng cung cấp một câu trả lời chính xác lý do máy bay bị rơi. Do đó, điều cần thiết là phải tìm ra được bộ ghi dữ liệu và âm thanh của chuyến bay ở hộp đen.
4. Có thể phục hồi được chiếc hộp đen?
Điều này phụ thuộc vào độ va đập của vụ tai nạn và chiều dài thời gian dưới nước của hộp đen. Các thiết bị này được sơn màu da cam và được gắn ở gần đuôi máy bay. Chúng có nhiệm vụ ghi lại âm thanh buồng lái trong 2 giờ cuối cùng và 25 giờ ghi dữ liệu, bao gồm cả độ cao, tốc độ, lưu lượng nhiên liệu, góc bay và vòng quay của máy bay.
Các hộp đen được làm bằng thép cứng và titan, cách nhiệt có thể chịu được nhiệt độ 1100 độ C trong một giờ hoặc 260 độ C trong 10 giờ liên tiếp, và gửi tín hiệu từ độ sâu 6100 mét .
Trong trường hợp của máy bay AF447, các hộp đen bị ngâm dưới nước trong 2 năm, đó là một kỷ lục vì vẫn có thể sử dụng được bất kỳ dữ liệu nào ở trong đó. Thực tế, hộp đên của AF447 vẫn còn nguyên vẹn tất cả các dữ liệu như 2 giờ trò chuyện trong buồng lái và vô số các thông số chuyến bay... Nếu không có các dữ liệu này, nguyên nhân đằng sau vụ tai nạn khó có thể xác định chính xác.
5. Nếu không tìm thấy xác máy bay, công việc tiếp theo là gì?
Điều này phụ thuộc vào việc máy bay bị nổ như thế nào, cho dù là trong không trung hay dưới nước. Trong trường hợp của máy bay AF447, xác máy bay còn ở trong một khu vực tương đối hạn chế trên đáy biển. Nhưng các nhà điều tra vẫn phải vạch ra các vùng chứa xác máy bay và dò tìm qua nó từng cm.
Các xe tự hành dưới nước được trang bị hệ thống sonar và máy ảnh chuyển tiếp hình ảnh với độ nét cao trong gian thực của xác tàu sẽ gửi lại hình ảnh động cơ, cánh, bánh tiếp đất và các hộp đen trong đống đổ vỡ của máy bay.
6. Làm sao để trục vớt các bộ phận máy bay từ dưới đáy đại dương?
Một khi xác định được vị trí, đội cứu hộ sẽ đưa robot được thiết kế cánh tay có khớp nối gắn liền với một chiếc thuyền thông qua việc điều khiển từ trên mặt nước để đưa các bộ phận của máy bay và các thi thể nạn nhân lên.
Nhưng bất kỳ nhiệm vụ trục vớt nào cũng sẽ phải thực hiện trong tình huống hết sức nguy hiểm ở điều kiện nước sâu, thêm nữa vùng biển phía nam Ấn Độ Dương lại được xem là một trong những vùng có môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Nguyên nhân là bởi ở phía nam của Ấn Độ Dương có dòng chảy xiết mạnh, gió khốc liệt, bão giật dữ dội, sóng cao tới 10 mét và thời tiết rất xấu và sẽ còn xấu hơn trong những tuần tới. Hầu hết các tàu thuyền đều phải tránh đi qua vùng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024