6 điểm thú vị quanh những đơn hàng mua bán vũ khí
Những thương vụ mua bán vũ khí phản ánh tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế và cũng đánh giá tiềm năng quân sự các nước, tạp chí Forbes cho biết.
Hôm 20.3, tạp chí Forbes dẫn ra những số liệu giao dịch vũ khí do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp. SIPRI thống kê các đơn hàng vũ khí lớn giữa các quốc gia từ năm 1950 đến nay, qua đó cho thấy ít nhất 6 điểm thú vị xung quanh vấn đề này.
Phản ánh mức độ căng thẳng toàn cầu
Mỗi khi cục diện thế giới căng thẳng, số lượng vũ khí giao dịch toàn cầu sẽ tăng lên. Đó là kết luận Forbes rút ra từ nghiên cứu của SIPRI.
Điều này phù hợp với những năm đầu thập niên 80, khi lượng giao dịch tăng cao nhất từ năm 1950 tới nay, phản ánh thời kỳ bế tắc trong quan hệ Liên Xô và Mỹ.
Kể từ những năm 80 đến nay, giai đoạn từ 2000 đến 2004 cho thấy tình hình thế giới “yên ổn” nhất, và mức độ giao dịch vũ khí thấp nhất.
Châu Âu “hiền hòa”
Theo biểu đồ của SIPRI, châu Âu là khu vực duy nhất giảm xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn từ 2010 đến 2014. Theo Forbes, kinh tế khó khăn là nguyên nhân khiến châu Âu quay lưng với vũ khí.
Trong khi đó, Vương quốc Anh dù giảm lượng giao dịch nhưng vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất với 14% đơn hàng và cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu châu lục.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Với 5% giao dịch toàn cầu, Trung Quốc đã vượt mặt Đức để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba thế giới trong giai đoạn 2010 đến 2014. Đây là sự gia tăng đáng kể nếu biết ở thời kỳ 2005-2009, Bắc Kinh chỉ xếp thứ 9 trong danh sách này.
Theo đó, thị trường lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan, nơi chiếm tới 41% lượng vũ khí xuất khẩu của Bắc Kinh, tiếp theo là Bangladesh và Myanmar. Theo SIPRI, châu Phi cũng là đối tác chính, ghi nhận có đến 18 nước đặt hàng từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, thời kỳ 2010 đến 2014 chứng kiến lượng vũ khí nhập vào Trung Quốc giảm 42% so với 2005-2009, chủ yếu vì người Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sản xuất khí giới trong nước nhiều hơn.
Nga “xuất siêu”, Ấn Độ “nhập siêu”
Chính sách chú trọng quốc phòng của Nga khiến điện Kremlin phát triển xuất khẩu vũ khí đáng kể, tăng 37% trong giai đoạn 2010-2014 so với thời 2005-2009.
Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của Nga với 40% đơn hàng. Chỉ riêng ba thị trường Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria đã chiếm 60% lượng vũ khí xuất khẩu của Moscow, theo SIPRI.
Điều này khá bất ngờ cho những ai đang xem Mỹ và Ấn Độ là đồng minh thân cận nhất. Người Ấn là quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, tăng tới 140% ở giai đoạn 2010-2014 so với 2005-2009, tuy nhiên chỉ có 12% đơn hàng từ Mỹ, quá thấp nếu so với Nga, cung cấp tới 70% vũ khí cho New Delhi.
Mỹ dẫn đầu về cung cấp vũ khí
Với 31% lượng giao dịch, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí số một thế giới. Nga xếp sau với 27%, kế đến là Trung Quốc, Đức và Pháp.
Mỹ vẫn đang duy trì căn cứ quân sự tại Hàn Quốc, UAE và Úc nên không khó hiểu khi các nước này lần lượt là những khách hàng lớn nhất của Washington. Tuy nhiên, thực tế, tầm ảnh hưởng của Mỹ còn lớn hơn khi SIPRI chỉ ra rằng Nhà Trắng đã chuyển giao vũ khí cho 94 đối tác khác nhau từ 2010 đến 2014.
Nhận diện khu vực bất ổn
Nơi nào có tiềm năng xung đột cao, nơi đó sẽ mua nhiều vũ khí. Nghiên cứu của SIPRI chỉ ra rằng Azerbaijan, Ai Cập, Iraq... là những điểm nóng xung đột tương ứng với lượng vũ khí đổ vào khu vực này.
Với Azerbaijan, nước này đã tăng nhập khẩu vũ khí tới 249% trong những năm 2010-2014, so với 2005-2009, chủ yếu do tranh chấp với Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, Iraq là nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoành hành, chứng kiến hàng loạt đơn hàng từ Nga, Mỹ, Đức... đổ vào đây.
Tương tự, Ai Cập tranh thủ tăng hỏa lực mạnh mẽ để giải quyết mâu thuẫn với phiến quân Sinai.
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo