Tin tức - Sự kiện

60 "chức" được ông Truyền bổ nhiệm ở "phút 89": Sai thì nên miễn nhiệm

“Sự việc nhìn qua đã thấy nhiều biểu hiện vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Thanh tra Bộ Nội vụ cần vào cuộc để điều tra xem việc bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền đúng sai ra sao”.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực UBPL cho rằng Thanh tra Bộ Nội vụ cần vào cuộc trước phản ánh của báo chí, dư luận về việc bổ nhiệm cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội chia sẻ với phóng viên trước thực trạng báo chí, dư luận phản ánh việc bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng 6 tháng, trước khi về hưu của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Từ nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, thanh tra Bộ Nội vụ cần vào cuộc, lục lại toàn bộ hồ sơ của những người được ông Trần Văn Truyền bổ nhiệm ở “phút 89”. Mọi vấn đề đều nằm trong hồ sơ, vì thế nếu lục lại sẽ phát hiện ra nhiều thứ.
 
ĐBQH từng là Chánh thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ vào các quy định được bổ nhiệm, ngành thanh tra sẽ biết được quy trình bổ nhiệm từng trường hợp đúng hay sai. Chẳng hạn như với hàm Vụ trưởng thì có phải là chuyên viên chính trở lên không? có bằng cao cấp chính trị không? Ngoài ra còn phải xem người được bổ nhiệm có nằm trong diện quy hoạch không? Việc bổ nhiệm có nhận được sự đồng thuận từ Thanh tra Chính phủ không...
 
Ông cũng lưu ý, cần phải xem số lượng cán bộ được bổ nhiệm có đúng số lượng quy định không. “Không thể một Vụ trưởng mà có tới hàng chục Vụ phó được. Ngành thanh tra cần vào cuộc để làm rõ đúng sai. Nhưng chỉ nhìn qua chúng ta đã thấy có cái gì đó không bình thường” – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận.
 
Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật cũng cho rằng, ngoài tuân thủ đúng các quy định, trước khi nghỉ hưu, người cán bộ thường sẽ rất thận trọng, cân nhắc việc bổ nhiệm cán bộ. Người ta thường nhường quyền sử dụng cán bộ đó cho người kế nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo khi đến cuối nhiệm kỳ họ sẽ không bổ nhiệm cán bộ nữa.
 
“Thời điểm trước khi chuyển vị trí Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, tôi có trao đổi với Bộ trưởng về người thay thế. Lúc đó Bộ trưởng nói sẽ báo cáo lại Đảng ủy về đề nghị đó. Ông cũng nói rằng, nếu bổ nhiệm cán bộ vào cuối nhiệm kỳ thì mang tiếng lắm” – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ và cho rằng “người có lòng tự trọng sẽ không làm những chuyện như thế”.
 
Sau biệt thự
 
Cho rằng không chỉ riêng ngành Thanh tra Chính phủ, một số ngành khác cũng bị xì xào về việc bổ nhiệm ồ ạt vào cuối nhiệm kỳ, tuy nhiên theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương việc này rất khó ngăn chặn. Vì quy định về bổ nhiệm có nhiều, nhưng vẫn còn đó những kẽ hở để người ta tận dụng, cất nhắc người thân cận, kể cả những tiêu cực từ bổ nhiệm.
 
“Điều này vẫn phải trông chờ vào tính tự giác cũng như đức độ của người lãnh đạo. Nếu người ta cố tình làm sai thì cũng khó ngăn chặn”.
 
Trở lại câu chuyện bổ nhiệm, theo ĐB Cương, nếu trường hợp nào sai thì Tổng thanh tra đương nhiệm sẽ phải miễn nhiệm, bổ nhiệm lại. Tuy nhiên ông cho rằng việc này cũng rất khó, vì việc bổ nhiệm đã trải qua vài năm rồi. Chẳng hạn như lúc bộ nhiệm chức Vụ trưởng, người ta chưa có cao cấp chính trị, nhưng bây giờ thì đã có rồi. Mặc dù vậy đúng sai thế nào vẫn cần phải làm rõ.
 
“Thanh tra Bộ Nội vụ nên vào cuộc để làm rõ, xem vấn đề dư luận phản ánh đúng hay sai. Chỉ cần lục lại hồ sơ cán bộ và căn cứ vào quy định cụ thể sẽ phát hiện ra ngay”.
 
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, bản thân lãnh đạo ngành Thanh tra Chính phủ và Đảng ủy ở đó cũng cần phải lên tiếng trước vụ việc này. UBKT TW có biết việc này không?...
 
“Bổ nhiệm cán bộ ồ ạt thì sẽ biết ngay. Nếu ngăn chặn kịp thời thì sẽ khác ngay” – ĐBQB Nguyễn Sỹ Cương cho biết.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo