Thị trường

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 14/04 -19/04

3 tháng đầu năm chính thức xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD, Việt Nam trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, lo vỡ quỹ BHXH, lại muốn nâng tuổi hưu... là những thông tin nổi bật tuần qua.

Rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Lo vỡ quỹ BHXH, lại muốn nâng tuổi hưu

Trình UB Thường vụ QH dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ngày 18/4 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH cho biết quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Dự báo đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.

Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghịquy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi áp dụng với các nhóm đối tượng còn lại.

Từ 1/5, Hà Nội tăng giá vé xe buýt thêm tối đa 40%

Thường trực Thành ủy TP.Hà Nội có thông báo đồng ý với đề xuất tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/5. Việc tăng giá vé nhằm từng bước giảm bớt sự hỗ trợ từ ngân sách, nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu của dịch vụ công ích và chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Ngoài ra, động thái này cũng tạo nguồn lực đầu tư phương tiện mới, hiện đại, xây dựng các bến xe, bãi đỗ, mở rộng thêm tuyến phục vụ; nâng cao hơn nữa chất lượng vận tải công cộng; khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều người tham gia sử dụng xe buýt, góp phần giảm bớt phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị Thành phố tăng giá vé xe buýt từ ngày 1.5, với mức tăng cao nhất là 43%. Lý giải cho mức tăng này, Sở Giao thông cho rằng, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2013 đã tăng 25% so với năm 2012 nên có thể “kham” được.

Cự ly tuyến dưới 25 km hiện có giá vé 5.000 đồng, nay được đề nghị tăng lên thành 7.000 đồng (tăng 40%).

Việt Nam trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng thế giới (World Bank), lượng kiều hối năm 2013 của các nước đang phát triển đạt 404 tỷ USD. Đứng đầu là Ấn Độ với 70 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc với 60 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 9 với 11 tỷ USD.

Theo giới quan sát, lượng kiều hối gửi về Việt Nam không ngừng tăng do số người Việt tại nước ngoài tiếp tục gia tăng, đặc biệt là với hàng trăm ngàn sinh viên ra nước ngoài học tập, hay những lao động ra làm việc theo hợp đồng ở ngoại quốc.

Lượng kiều hối vào các nước đang phát triển năm 2014 dự báo tăng 7,8% đạt 436 tỷ USD, và lên 526 tỷ USD vào năm 2016.

Tổng kiều hối toàn cầu năm 2013 đạt 542 tỷ USD, và dự báo đạt 581 tỷ USD năm nay, 681 tỷ USD năm 2016.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến hết tháng 3 tăng 13,8%

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới nhất cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3 năm 2014 (từ 16/03 đến 31/03) đạt hơn 13,15 tỷ USD, tăng 12,8% tương ứng tăng hơn 1,49 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2014.

Với kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 03 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 3/2014 đạt gần 65,99 tỷ USD, tăng 13,8% tương ứng tăng hơn 8 tỷ USD so với tháng 03/2013.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 39,59 tỷ USD, tăng 17,6% tương ứng tăng hơn 5,93 tỷ USD so với tháng 3 năm 2013 và chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

3 tháng đầu năm chính thức xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 2 của tháng 3 (từ 16-31/3) tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 6,614 tỷ USD, tăng 16,2% so với kỳ. Trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 6,536 tỷ USD, tăng 9,6%.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 33,536 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 32,452 tỷ USD, tăng 12,8%.

Như vậy, trong kỳ 2 của tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tiếp tục thặng dư 75 triệu USD. Tính chung trong quý 1/2014, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư tới hơn 1,08 tỷ USD.

Như vậy trong kỳ 2 tháng 3, khối DN FDI xuất siêu hơn 220 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm khối này xuất siêu tới gần 1,88 tỷ USD.

10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong quý 1

Với số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên trong 3 tháng đầu năm 2014.

Mang ngoại tệ nhiều nhất về cho Việt Nam trong quý 1 là mặt hàng điện thoại và linh kiện, đạt kim ngạch xuất khẩu 5,47 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt, may đứng vị trí thứ hai khi đạt giá trị xuất khẩu 4,44 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có 2 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 2,12 tỷ USD, tăng 23,8%, và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, giảm 6,1%.

Những mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong giai đoạn này gồm hàng thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo