Quốc tế

800.000 người tị nạn từ Libya điên cuồng tìm cách vào châu Âu

(DNVN) - Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian trả lời phỏng vấn cho biết khoảng 800 ngàn người đang có mặt tại Libya, chờ cơ hội chạy vào châu Âu.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian nhận định là hàng trăm ngàn dân di cư đang tập hợp tại Libya. Khi nhà báo đưa ra con số 800.000, ông Le Drian cho rằng con số này tương đối phù hợp. Lãnh đạo quốc phòng Pháp nhấn mạnh là cần tránh tình trạng luồng di dân này giúp bổ sung nguồn tài chính cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Để ngăn chặn làn sóng tị nạn, châu Âu đã kêu gọi nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc cho phép các tàu của châu Âu thực hiện "chiến dịch Sophia", hoạt động sát gần bờ biển Libya để truy lùng các đường dây đưa người nhập cư trái phép.

Di dân tại Tripoli, Libya sẵn sàng tìm đường vượt biên.

Chiến dịch Sophia được khởi động từ tháng 06/2015, với sự tham gia của 22 nước châu Âu, cho đến nay, chỉ có thể hoạt động ở hải phận quốc tế, cách xa các cơ sở của những đường dây đưa người nhập cư trái phép.

Tháng 10/2011, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi chế độ độ ctafi Gaddafi sụp đổ. Từ năm 2014, có hai chính phủ Libya, một ở thủ đô Tripoli và một ở phía đông Libya và được phương Tây thừa nhận.

Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, tháng 2/2016, một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập nhưng chưa được Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận. Tháng 03/2016, Hội Đồng Tổng Thống – bao gồm đại diện các phe phái Libya – tuyên bố là chính phủ đoàn kết dân tộc đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc ngày 23/3 cho biết là mới chỉ nhận được khoảng 15% số vốn cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iraq. Đại diện văn phòng điều phối nhân đạo Liên Hiệp Quốc cảnh báo, nếu châu Âu không thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính thì có nguy cơ xẩy ra làn sóng di dân từ Irak sang các nước láng giềng cũng như sang châu Âu.

Thế nhưng, châu Âu vẫn mâu thuẫn trong việc đón nhận tị nạn và di dân, đặc biệt là sau loạt khủng bố tại Pháp và Bỉ vừa qua. Ví dụ cụ thể là Ba Lan. 

 

Trong vài ngày nữa, khoảng 7000 dân nhập cư đầu tiên sẽ tới Ba Lan, nhưng sau loạt khủng bố ở Bruxelles, thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo đã thay đổi lập trường. Bà tuyên bố: "Chúng tôi phải quan tâm trước tiên đến vấn đề bảo đảm an ninh cho các công dân Ba Lan" và "vào lúc này, không thể nói là Ba Lan đồng ý đón nhận bất kỳ nhóm dân nhập cư nào".

Thủ tướng Ba Lan kêu gọi châu Âu từ chối đón nhận những người đến châu Âu chỉ vì mục đích cải thiện cuộc sống của họ và trong số này có thể có những kẻ khủng bố. Lãnh đạo chính phủ Ba Lan cũng phê phán thái độ dễ dãi, thoải mái của các nước thuộc châu Âu già cỗi đã chấp nhận làn sóng người nhập cư. Bà lấy làm tiếc là Liên Hiệp Châu Âu không rút ra được bài học của những gì đã xẩy ra.

Cho dù 7000 người nhập cư chỉ là một phần nhỏ bé trong số 120 ngàn di dân mà châu Âu đã đồng ý đón nhận, nhưng quyết định của Vacxava có nguy cơ thúc đẩy các nước khác đi theo hướng này. 

Nên đọc
Tùng Bách (Theo AFP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo