Tin tức - Sự kiện

83% hộ gia đình văn hóa, đạo đức vẫn xuống cấp

Cập nhật kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ sau kỳ họp thứ 7 đến nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được những "thành tựu quan trọng".

Tính tới năm 2014, tổng chi ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa đạt khoảng 1,8%.

Khẳng định vai trò chủ thể văn hóa của người dân được coi trọng, Bộ trưởng Tuấn Anh so sánh từ hơn 8 triệu gia đình văn hóa được công nhận năm 2000, đến nay cả nước đã có hơn 17.776.262/21.246.844 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ hơn 83%.

Từ 17.651 làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa được công nhận năm 2000, đến nay cả nước đã có 70.391/114.038 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận, đạt tỷ lệ 61,73%. Từ 8.707 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa năm 2000, đến nay đã có trên 50.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa, Bộ trưởng tiếp tục thống kê.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, theo báo cáo của Bộ trưởng, là đã được tăng cường. Tính tới năm 2014, tổng chi ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa đạt khoảng 1,8%.

Nhưng khi nhìn nhận việc xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém, ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, “nhất là tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống...”.

Thì đây cũng chính là điều khiến không ít đại biểu Quốc hội lo ngại.

Tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu nêu rõ, các báo cáo được trình Quốc hội chưa nêu bật được văn hóa là nền tảng của xã hội, chưa đánh giá được đầy đủ tác động của các thiết chế văn hóa đến đời sống của con người Việt.

Một số ý kiến cho rằng lĩnh vực văn hoá còn nhiều biểu hiện tiêu cực như: các lễ, hội được tổ chức tràn lan, biến tướng, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, phim ảnh trên truyền hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt.

Và “Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ thông tin và Truyền thông chưa định hướng được cho xã hội, lớp trẻ về giá trị, xây dựng đạo đức trong hoạt động văn hóa”.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết nhiều giải pháp đang được thực hiện nhằm khắc phục những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình và trong các quan hệ xã hội.

Trong các giải pháp có việc nghiên cứu, xác định những phẩm chất, giá trị đạo đức tiêu biểu của người Việt Nam hiện đại, xây dựng các khuôn mẫu hành vi cụ thể, phù hợp để dẫn dắt hành động thực tiễn.

Cụ thể, đối với lực lượng thiếu niên, nhi đồng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Đối với phụ nữ: trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan.

Đối với người cao tuổi: nhân ái, cao cả và bao dung.

Đối với lực lượng quân đội, công an: trung với Đảng, hiếu với dân; đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ; đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Đối với nhân dân lao động: cần cù, chăm chỉ, thi đua sản xuất giỏi, lao động giỏi, đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.

Đối với cán bộ công chức: yêu nghề, yêu ngành, tận tình phục vụ, tận tâm cống hiến.

Đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hoá, thể thao và du lịch: tận tâm, tận tình, trách nhiệm, kỷ cương.

Đối với văn nghệ sỹ: tận tuỵ, nhiệt tình, say mê cống hiến trong sáng tác và biểu diễn; lấy “chân, thiện, mỹ” là chuẩn mực trong sáng tác và thể hiện.

Cuối cùng, đối với vận động viên: đoàn kết, trung thực, cao thượng, hữu nghị trong thi đấu, phấn đấu thành tích cao.

VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo