Tin tức - Sự kiện

92 ngành đại học được tuyển sinh lại

Đã có 92 trong số 207 ngành đào tạo đại học bị dừng tuyển sinh trong năm 2014 được Bộ GD-ĐT vừa phát đi thông báo cho phép tuyển sinh trở lại.

 

Sau quá trình kiểm tra báo cáo rà soát hơn 2.700 ngành đào tạo đại học của 242 cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT đã thông báo những ngành chưa đảm bảo điều kiện quy định theo thông tư 08 bị dừng tuyển sinh nếu không bổ sung đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Đồng thời cũng đã cảnh báo đối với 136 ngành thuộc 67 cơ sở đào tạo phải khẩn trương kiện toàn đội ngũ giảng viên trong thời hạn từ tháng 1/2014 đến 31/12/2015.
 
Nếu sau thời hạn cảnh báo mà trường chưa kiện toàn được đội ngũ giảng viên theo quy định chung sẽ bị dừng tuyển sinh. Sau khi thông báo, nhiều trường đã gửi báo cáo giải trình để được xem xét xác nhận đủ điều kiện tiếp tục tuyển.
 
Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết: Riêng đối với ngành nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục xem xét các điều kiện đặc thù của một số ngành bị dừng tuyển sinh để xem xét, công nhận đủ điều kiện.
 
Bộ đã làm việc với đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về khối ngành nghệ thuật. Quá trình làm việc, hai bên đã thống nhất, các ngành nghệ thuật không đáp ứng được các điều kiện về đội ngũ và bị dừng tuyển sinh là đúng quy định. Đây là thực tế trong đào tạo ở nhiều trường nghệ thuật hiện nay.
 
Với tình hình thực tế đó, để đảm bảo cho các trường ổn định, không bị gián đoạn đào tạo, có thời gian khắc phục, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng các biện pháp có tính đặc thù để đảm bảo đội ngũ giảng viên trong giai đoạn quá độ.
 
Bộ GD&ĐT đồng ý áp dụng một số biện pháp đặc thù, không hạ thấp tiêu chuẩn điều kiện về đội ngũ, các biện pháp này chỉ áp dụng trong thời gian quá độ (đến năm 2017).
 
Sau thời gian quá độ, nếu không đáp ứng được điều kiện chung vẫn bị xử lý dừng tuyển sinh theo đúng quy định. Với việc áp dụng các biện pháp đặc thù mà ngành đào tạo vẫn không đáp ứng điều kiện về đội ngũ, thì chưa cho phép tuyển sinh trở lại.
 
Các biện pháp có tính đặc thù khi xem xét tính là giảng viên cơ hữu đối với: giảng viên có trình độ ThS, TS, PGS, GS đã nghỉ hưu (ký hợp đồng dài hạn với 01 trường duy nhất); các ThS, TS, PGS, GS đang làm việc tại các cơ quan chuyên môn khác có hợp đồng làm giảng viên tại trường (ký với một trường duy nhất), tỷ lệ được tính tối đa bằng 50% giảng viên cơ hữu, tuỳ theo thời gian cho phép tham gia giảng dạy của thủ trưởng cơ quan đang làm việc; các giảng viên có chuyên môn gần với ngành đào tạo và phải có ít nhất 02 công trình nghiên cứu thuộc ngành đào tạo (chỉ được tính là giảng viên cơ hữu trong một ngành đào tạo).
 
Các điều kiện đặc thù này chỉ có thời hạn đến năm 2017 (Công văn số 831/BGDĐT-GDĐH ngày 27/2/2014 trả lời đồng ý đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
 
Cơ sở đào tạo phải cung cấp đầy đủ và chịu trách nhiệm về các minh chứng về việc đã đảm bảo điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định khi áp dụng biện pháp đặc thù.
 
Kết quả kiểm tra, rà soát đối với ngành nghệ thuật sau khi áp dụng các biện pháp đặc thù trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số ngành được tuyển sinh 30 ngành; số ngành vẫn chưa được tuyển sinh 13 ngành.
 
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai rà soát kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đưa thành hoạt động thường xuyên; tiếp tục tiến hành kiểm tra Báo cáo của các trường (hậu kiểm) và xử lý nghiêm theo quy định; công khai danh danh sách giảng viên cơ hữu của các trường để xã hội, tập thể giảng viên, người học biết và cùng giám sát.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo